Thương hiệu quốc gia: Tăng sức cạnh tranh trong hội nhập

14:44' - 20/04/2018
BNEWS Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam với chủ đề “Thương hiệu với hội nhập và Phát triển xuất khẩu bền vững”.
Diễn đàn "Thương hiệu Việt Nam với hội nhập và Phát triển xuất khẩu bền vững". Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Trong chuỗi các sự kiện Tuần lễ Thương hiệu Việt Nam 2018, ggày 20/4 tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam với chủ đề “Thương hiệu với hội nhập và Phát triển xuất khẩu bền vững” .
Tại diễn đàn ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, diễn đàn là cơ hội tốt để các bên trao đổi về xu hướng xây dựng thương hiệu, lợi ích của phát triển thương hiệu tại thị trường nước ngoài và cách thức phát triển xuất khẩu bền vững trước thềm các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) có hiệu lực.
Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp đề xuất với các cơ quan nhà nước cung cấp các giải pháp phát triển thương hiệu gắn với xuất nhập khẩu. Hiện nay, chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu đang diễn ra rất mạnh mẽ và sâu rộng, không chỉ dừng lại ở cấp độ doanh nghiệp mà đã phát triển lên mức độ địa phương, ngành hàng và thậm chí ở cấp quốc gia.
Trên thế giới, đã có hơn 80 quốc gia đang triển khai chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia để phát triển thương hiệu sản phẩm sang thị trường nước ngoài. Vì vậy, việc Việt Nam triển khai chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia gắn với vấn đề hội nhập và phát triển xuất khẩu là phù hợp với xu hướng chung.
Tại diễn đàn, PGS-TS Nguyễn Quốc Thịnh, Chuyên gia thương hiệu quốc gia, đã chia sẻ về cách nhận biết thương hiệu trong thời hội nhập
Theo ông Thịnh, xây dựng thương hiệu sản phẩm thì chất lượng sản phẩm chưa đủ, mà còn phụ thuộc cách thức bán hàng, phong cách bán hàng. Khách hàng có cả trăm lý do khác nhau để lựa chọn sản phẩm/thương hiệu. Khách hàng sẽ lựa chọn sản phẩm nào có nhiều thông tin về nó nhất và thông tin tin cậy nhất; trong đó sản phẩm có chất lượng là thứ khách hàng thực sự cần và họ thường dựa vào thương hiệu để lựa chọn sản phẩm.
Là một trong những đơn vị có thương hiệu sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia phải kể đến Tổng công ty Thương mại Hà Nội. Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Tiến Vượng chia sẻ, hiện công ty đã và đang khẳng định là một trong những đơn vị hàng đầu của ngành thương mại Hà Nội. Hapro hoạt động với 2 lĩnh vực chính là kinh doanh xuất nhập khẩu và thương mại nội địa.

Sản phẩm Gốm Chu Đậu của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Hapro hiện nay có thị trường xuất khẩu tại gần 80 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bên cạnh đó, thương mại nội địa của Hapro gồm hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart, Haprofood đan xen tại các khu vực, địa bàn cư dân phục vụ người tiêu dùng Hà Nội và mạng lưới hệ thống cửa hàng chuyên doanh điện, điện máy, may mặc, dịch vụ - nhà hàng... tại Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc.
Mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực thương hiệu Hapro đã được công nhận Thương hiệu Quốc gia 4 lần liên tiếp; một số thương hiệu khác cũng đã được người tiêu dùng Hà Nội và cả nước biết đến như: gốm Chu Đậu, thời trang Hafasco, kim khí – điện máy Tràng Thi, Thực phẩm Hà Nội, dịch vụ ăn uống Thủy Tạ...
Hapro còn mở rộng ra thị trường 80 quốc gia và vùng lãnh thổ với các mặt hàng nông sản như gạo, hạt điều, hạt tiêu... và thủ công mỹ nghệ.
Ông Nguyễn Tiến Vượng cho biết, để mở rộng và phát triển thương hiệu tại thị trường nước ngoài, Hapro đã và đang tích cực tham gia các chương trình hội chợ, khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại…
Ông Ngô Chung Khánh - Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, sự tham gia ký kết các Hiệp định thương mại tư do thời gian qua của Việt Nam, mới đây nhất nhất Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã khiến việc xây dựng thương hiệu quốc gia cần phải đẩy mạnh hơn nữa. Bởi lẽ việc mở cửa thị trường cùng nhiều dòng thuế nhập khẩu về 0% sẽ khiến sản phẩm nước ngoài vốn đã có uy tín và chất lượng toàn cầu sẽ được người tiêu dùng lựa chọn. Vì vậy doanh nghiệp nội nếu không có thương hiệu sẽ thua ngay trên sân nhà.

Ông Khánh khẳng định, diễn đàn được tổ chức nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và các tổ chức liên quan triển khai tốt hơn việc xây dựng thương hiệu trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập quốc tế nói chung và trong hoạt động kinh doanh, phát triển xuất khẩu bền vững nói riêng. Diễn đàn sẽ tạo động lực cho việc từng bước xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp, địa phương, sản phẩm và quốc gia; từ đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh, xúc tiến xuất khẩu và xây dựng hình ảnh thương hiệu quốc gia của Việt Nam ngày càng vững mạnh trên thị trường quốc tế./.

>>>Thay đổi nhận thức của doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu ngành hàng

>>>Hội trà cao nguyên Mộc Châu lần thứ III: Tôn vinh thương hiệu và giá trị chè Mộc Châu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục