Thương mại toàn cầu trước làn sóng bảo hộ

06:45' - 04/11/2016
BNEWS Có một thực tế là hàng nghìn các biện pháp bảo hộ thương mại đã được áp dụng kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và đến nay nhiều biện pháp vẫn được duy trì.
Trước làn sóng bảo hộ thương mại toàn cầu. Ảnh: EUobserver

Trong khi đó, tâm lý hoài nghi và phản đối các hiệp định thương mại lớn, nhất là ở những nước sắp diễn ra bầu cử, đang gây thêm lo ngại. Chủ nghĩa bảo hộ đã và đang là một rào cản đối với nỗ lực thúc đẩy sự hồi phục của nền kinh tế thế giới cũng như việc xây dựng trật tự thương mại quốc tế, gây sức ép lên các nền kinh tế lớn, nhất là các thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ

Thương mại toàn cầu đã tăng chậm lại, từ mức tăng trung bình trên 7%/năm trong giai đoạn 1990-2008 xuống dưới 3% trong giai đoạn 2009-2015. Theo thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), năm ngoái là năm thứ tư liên tiếp thương mại toàn cầu tăng thấp hơn mức tăng trưởng GDP. Cùng với tình trạng này, chủ nghĩa bảo hộ đang "tái xuất". Kể từ tháng 10/2008, 2.800 biện pháp hạn chế thương mại đã được các nước thành viên WTO áp dụng, và 75% trong số này vẫn đang có hiệu lực.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde cảnh báo về chủ nghĩa bảo hộ và những hạn chế thương mại. Dẫn ra tình trạng gia tăng các biện pháp bảo hộ trên khắp thế giới kể từ năm 2012, bà Lagarde cho rằng những rào cản thương mại được dựng lên là một trong những biện pháp thất bại trong quá khứ. Theo bà, việc quay lưng lại với thương mại đồng nghĩa với việc sẽ mất đi một động lực tăng trưởng chính vào thời điểm kinh tế toàn cầu vẫn chưa thực sự mạnh mẽ.

Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde cảnh báo về chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới. Ảnh: sigmalive.com

Trong khi đó, Frederic Neumann, Giám đốc quản lý bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á của Ngân hàng HSBC tại Hong Kong, nhận định chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang trỗi dậy có thể cản trở hệ thống thương mại toàn cầu. Sự bất bình của người dân trước tình trạng mất việc làm do toàn cầu hóa và các chính sách tự do thương mại được cho là vấn đề cốt lõi dẫn tới kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại nước Anh về Brexit và diễn biến gần đây của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Tại châu Âu, Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và EU, đã vấp phải sự phản đối ở những nước sắp tiến hành các cuộc bầu cử quan trọng như Đức và Pháp vào năm tới. Tổng thống Pháp François Hollande muốn trì hoãn hiệp định này, nói rằng nước Pháp ủng hộ toàn cầu hóa, nhưng với điều kiện là phải có nguyên tắc, có chuẩn mực, nhất là về môi trường, về vấn đề xã hội.

Thủ tướng Pháp Manuel Valls đòi “đình chỉ dứt khoát” các cuộc thương lượng. Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel đánh giá là trên thực tế, TTIP đã thất bại, vì châu Âu không nhượng bộ trước những đòi hỏi của Mỹ. Thủ tướng Đức Angela Merkel giờ đây đã lên tiếng bảo vệ sự phân chia công bằng lợi ích thương mại, khẳng định toàn cầu hóa không phải chỉ có mặt tích cực, mà nó cũng mang theo bất bình đẳng nhiều hơn giữa các nhóm khác nhau, giữa các dân tộc.

Tại Mỹ, ứng viên Donald Trump đã đặt trọng tâm chiến dịch tranh cử tổng thống của ông vào việc công kích các Hiệp định thương mại tự do. Ông Trump kêu gọi đàm phán lại hoặc bãi bỏ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ với Canada và Mexico và lặp lại sự chống đối của ông với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiện bao gồm Mỹ và 11 quốc gia ven bờ Thái Bình Dương khác. Bà Hillary Clinton, ứng viên của đảng Dân chủ, cũng lên tiếng phản đối TPP trong chiến dịch tranh cử.

Trước những biến động của thị trường do vấn đề Brexit gây nên, các nền kinh tế lớn ở Đông Á đã phản ứng bằng các biện pháp bình ổn kinh tế ngắn hạn. Hàn Quốc yêu cầu tăng chi tiêu của chính phủ, Trung Quốc điều chỉnh giá trị đồng tiền của mình, và Nhật Bản cho biết đang cân nhắc những biện pháp tương tự nếu giá trị đồng yen tiếp tục tăng. Tuy nhiên, phản ứng ở châu Á trước những phát biểu ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ thương mại ở phương Tây, đặc biệt tại Mỹ trong chiến dịch tranh cử tổng thống, tới nay có phần âm thầm.

Ông Peter Drysdale, Giám đốc Cục Nghiên cứu Kinh tế Đông Á tại Trường Chính sách Công Crawford thuộc Đại học Quốc gia Australia, nói các nhà lãnh đạo ở những nơi khác trên thế giới, kể cả ở châu Á, nhận thức rõ rằng những chủ trương chính sách được đưa ra trong các chiến dịch tranh cử ở Mỹ không nhất thiết chuyển thành chính sách sau cuộc bầu cử.

Sức ép hành động đặt lên G20

Theo báo cáo của WTO, mức độ ban hành các biện pháp hạn chế thương mại trong thời gian qua của G20 là cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Báo cáo về biện pháp thương mại của G20 cho thấy, từ trung tuần tháng 10/2015 đến trung tuần tháng 5/2016, các nền kinh tế G20 - chiếm 90% GDP toàn cầu - đã áp dụng 145 biện pháp mới về hạn chế thương mại, trung bình mỗi tháng áp dụng 21 biện pháp, nhiều hơn so với mức trung bình 17 biện pháp/tháng trong giai đoạn bảy tháng trước đó, trong đó các biện pháp chống bán phá giá chiếm tuyệt đại đa số.

Mức độ ban hành các biện pháp hạn chế thương mại trong thời gian qua của G20 là cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Ảnh: Global Research

Từ năm 2008 đến nay, các nền kinh tế G20 áp dụng tổng cộng 1.583 biện pháp hạn chế thương mại mới và cho đến nay mới chỉ dỡ bỏ 387 biện pháp.

Theo báo cáo trên, trong quá trình khắc phục những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và khôi phục tăng trưởng, một số nền kinh tế, nhất là một số nền kinh tế phát triển, mặc dù cho rằng cần tăng cường điều phối chính sách kinh tế vĩ mô toàn cầu, nhưng trên thực tế, khuynh hướng bảo hộ thương mại ở các nước này lại ngày càng trầm trọng.

Điều đáng quan ngại hơn là, với ưu thế về kinh tế-xã hội, một số nền kinh tế phát triển dựng lên các hàng rào thương mại mới nhằm vào các điểm yếu của các nền kinh tế đang phát triển như về tiêu chuẩn kỹ thuật, phát triển xanh và bảo vệ môi trường cũng như tiêu chuẩn lao động, v.v. Bên cạnh đó, phạm vi bảo hộ thương mại của các nước này cũng đang mở rộng, không những bao trùm thương mại hàng hóa, mà còn vươn đến các lĩnh vực thương mại dịch vụ, tài chính và quyền sở hữu trí tuệ.

Chủ nghĩa bảo hộ thương mại toàn cầu không những không có lợi cho việc khắc phục cuộc khủng hoảng, khôi phục tăng trưởng mà còn mang tới rủi ro cho kinh tế thế giới và gây phương hại tới thương mại quốc tế. Bởi vậy, trong tình hình hiện nay, các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới, nhất là các thành viên nhóm G20 càng cần dẫn đầu trong nỗ lực chống lại chủ nghĩa bảo hộ đầu tư và thương mại dưới mọi hình thức.

Các nước cần thận trọng, kiềm chế, sử dụng các biện pháp hỗ trợ thương mại một cách quy phạm, gánh vác trách nhiệm quan trọng thúc đẩy kinh tế thế giới phục hồi và tăng trưởng.

Tại cuộc họp đầu tháng Chín vừa qua, lãnh đạo các nước thành viên G20, chiếm 80% thương mại toàn cầu, đã nhất trí xây dựng chiến lược thúc đẩy thương mại toàn cầu và các nguyên tắc chỉ đạo cho việc hoạch định chính sách đầu tư. Hai chính sách này, nếu được thực thi hiệu quả, sẽ có ý nghĩa to lớn đối với tăng trưởng trên toàn cầu vào lúc thương mại tự do và toàn cầu hóa đang vấp phải những trở ngại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục