Thủy điện Lai Châu - Bài 2: Xây dựng xã nông thôn mới từ các điểm tái định cư

19:43' - 19/12/2016
BNEWS Việc xây dựng công trình Thủy điện Lai Châu còn kết hợp sắp xếp và xây dựng các khu dân cư, đặc biệt là các khu tái định cư theo tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng nông thôn mới
Khu tái định cư bản Mường Mô. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN.

Ngoài lợi ích tăng nguồn thu ngân sách hàng năm cho tỉnh Lai Châu, việc xây dựng công trình Thủy điện Lai Châu còn kết hợp sắp xếp và xây dựng các khu dân cư, đặc biệt là các khu tái định cư theo tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng nông thôn mới, xây dựng hệ thống cầu, đường giao thông đóng vai trò quan trọng cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung.

Công trình Thủy điện Lai Châu tích nước hồ chứa từ tháng 6/2015. Cùng với việc giúp bà con di dân sớm ổn định đời sống ở nơi ở mới, chủ đầu tư dự án di dân là UBND tỉnh Lai Châu còn lồng ghép nhiều chương trình phát triển kinh tế-xã hội khác. Từ đó, bộ mặt bản làng, đời sống của người dân tái định cư đươc nâng cao.

Bản Mường Mô là một trong 8 bản tái định cư (TĐC) của xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) bắt đầu di chuyển dân từ tháng 5/2014. Trưởng Bản Hỏ Văn Ninh cho biết, bản có 246 hộ với 936 khẩu di dân TĐC. Đến nơi ở mới, cơ sở vật chất tốt hơn nơi ở cũ, hạ tầng được quy hoạch bài bản, đường xá được bê tông hóa, có trường lớp bán trú… nên người dân trong bản đã yên tâm ở nơi ở mới. Người dân đã làm nương để trồng nhãn…

Đề cập đến đời sống của người dân TĐC xã Mường Mô, Phó Chủ tịch UBND xã, ông Mào Văn Tuyển chia sẻ, xã có 8/9 bản TĐC với tổng số 648 hộ, có 7 dân tộc sinh sống; trong đó dân tộc Thái chiếm số đông. Còn một bản là Tổng Tịt không được TĐC với 64 hộ, xã cũng kiến nghị với huyện đưa dân bản này đến nơi ở mới.

Khu tái định cư. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN.

Ngoài mỗi hộ được nhận 360 m2 đất ở, tại các khu TĐC đã được đầu tư 3 kênh mương thủy lợi, sắp xếp quỹ đất canh tác khoảng 70 ha cho bà con để trồng 43,7 ha nhãn; 10 ha cây ăn quả gồm mít, xoài, dừa xiêm, vải và 12 ha trồng quế, sưa, lát. Năm 2017, xã có phương án cho bà con trồng rừng thay thế, trồng quế và dự kiến trong quý đầu năm sẽ chia đất cho bà con canh tác.

“Sau khi được Nhà nước quan tâm chuyển bà con đến nơi ở mới, bà con TĐC đã ổn định cuộc sống. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2016 đạt 20,2 triệu đồng/người, gấp đôi so với trước khi TĐC. Trước toàn xã tỷ lệ hộ nghèo chiếm 43,8% thì đến hết năm nay giảm xuống chỉ còn 23,6%.

Đặc biệt, tại hội nghị bình chọn xã nông thôn mới được tổ chức vào ngày 17/12 vừa qua, xã đã cơ bản đạt 17/19 tiêu chí, chỉ còn nợ 2 tiêu chí là hộ nghèo và thu nhập. Hai tiêu chí này sẽ được xã giải quyết nốt trong năm 2017”, Phó Chủ tịch xã nói.

Công trình Thuỷ điện Lai Châu được xây dựng tại huyện Nậm Nhùn, thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lai Châu. Do vậy trong những năm qua, huyện xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm.

Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn, ông Phạm Đức Minh cho biết, với 3 xã, 8 điểm TĐC, hơn 800 hộ và 3.344 khẩu phải di dân, huyện đã tổ chức di dân ra khỏi lòng hồ trước tháng 6/2014. Trước đó, huyện đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu TĐC, các công trình thiết yếu như trường học, trạm y tế….

Ông Phạm Đức Minh, Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN.

Sau khi đưa dân đến các điểm TĐC, huyện tập trung tổ chức lại sản xuất cho nhân dân bằng cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi phù hợp; tạo quỹ đất sản xuất nông nghiệp để ổn định đời sống cho nhân dân tại nơi ở mới. Đặc biệt, để đảm bảo đời sống bền vững tại các khu TĐC, huyện đưa những mô hình cho năng suất cao vào sản xuất, tạo điều kiện cho các bản có thương hiệu, sản phẩm, thu nhập người dân TĐC ổn định. Đơn cử như Nậm Mô có thể phát triển trồng măng tự nhiên với thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Nậm Nhùn thành lập huyện từ năm 2013, khi đó, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 8 triệu đồng/năm thì khi TĐC, nhờ tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mà đến năm 2016, thu nhập đầu người đã tăng lên bình quân hơn 14 triệu đồng.

Theo ông Minh, ngoài việc đưa những mô hình cá lồng vào nuôi trồng trên diện tích lòng hồ, huyện còn thanh lý đất sản xuất, rừng nghèo để người dân trồng lúa nước. Trước mắt huyện hỗ trợ khai hoang ruộng nước là 15 triệu đồng/ha. Ngoài ra, Thủy điện Lai Châu sẽ tạo điều kiện cho huyện phát triển dịch vụ du lịch lòng hồ, là cơ hội cho các xã nghèo khó khăn được đầu tư cơ bản về cơ sở hạ tầng; từ đó tập trung cho các xã TĐC hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

“Mục tiêu của Nậm Nhùn là đến năm 2020 sẽ có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới”, Chủ tịch huyện Nậm Nhùn khẳng định./.

Xem thêm:

>> Thủy điện Lai Châu – Bài 1: Sớm 1 năm, làm lợi gần 7.000 tỷ đồng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục