Tích tụ ruộng đất: Không làm theo phong trào

15:45' - 17/04/2017
BNEWS Quá trình tích tụ ruộng đất đang được Chính phủ thúc đẩy thực hiện, nhằm phát triển ngành nông nghiệp trên tầm cao mới. Nhiều học giả và chuyên gia đã đóng góp ý kiến xung quanh vấn đề này.

Ông Bùi Xuân Sơn, Nguyên Tổng cục trưởng cục địa chính: Không tích tụ ruộng đất theo phong trào

Ông Bùi Xuân Sơn, Nguyên Tổng cục trưởng cục địa chính (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Muốn tích tụ ruộng đất phát có định hướng về thị trường, thị trường cần gì rồi từ đó mới quy hoạch nên phát triển từng vùng như thế nào. Về hình thức tích tụ thì có thể đa dạng, tùy theo khả năng người lãnh đạo, tạo ra vốn mới sản xuất chứ không phải tích tụ ruộng đất nhiều thì tạo ra hiệu quả.

Chúng ta không nên đặt ra vấn đề hạn điền hay không mà nên đặt ra vấn đề sản xuất có hiệu quả thì chúng ta cho phép thực hiện.

Chúng ta không thể cứ để quan điểm sản xuất nông nghiệp chỉ có một thành phần là nông dân cấy lúa mà phải đa dạng hóa các thành phần trong nông nghiệp có doanh nghiệp, nông dân... Không thể hôm nay hô tập trung quy mô sản xuất lớn thì cả nước sẽ dễ dàng làm được mà phải có thời gian và điển hình cụ thể, nông dân thấy có lợi thì sẽ tìm cách mở rộng ra.

Nhà nước phải thống nhất quản lý đất đai thông qua quy hoạch và kế hoạch và sản xuất nông nghiệp có thể thất thu do ảnh hưởng thời tiết, nhà nước nên có chính sách hỗ trợ khi khó khăn. Chúng ta phải đặt hiệu quả lên đầu, không làm theo phong trào, làm cho có.

PGS.TS Nguyễn Văn Thạo, Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận Trung ương: Không loại trừ khả năng có người xin tích tụ ruộng đất rồi sau chuyển thành khu đô thị, công nghiệp

PGS.TS Nguyễn Văn Thạo, Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận Trung ương.

Nếu nông nghiệp cứ quy mô nhỏ, kinh tế hộ nhỏ như hiện nay… thì chủ trương tích tụ ruộng đất là đúng. Tôi nói chủ trương thì hoàn toàn đúng nhưng có mấy điều này phải cân nhắc:

Thứ nhất, sản xuất lớn trong nông nghiệp không có nghĩa là quy mô phải lớn, trên thế giới không có nước nào chỉ có doanh nghiệp nông nghiệp mà vẫn có kinh tế hộ. Chúng tôi đi Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), bên cạnh các tập đoàn nông nghiệp lớn vẫn có kinh tế hộ nhưng phải có công nghệ cao, năng suất chất lượng hiệu quả cao.

Cái lớn là đồng ý, công nghệ cao đồng ý, nhưng lớn như nào, không phải tập trung nhiều đất mới là lớn, không loại trừ khả năng là có những người sẽ xin tích tụ ruộng đất, ban đầu làm nông nghiệp sau chuyển đổi thành khu đô thị, khu công nghiệp.

Cho nên tôi tán thành tích tụ ruộng đất nhưng lớn đến mức nào phải cân nhắc kỹ vì đây là tư liệu sản xuất rất đặc biệt. Giữa cái lớn và cái hiệu quả, tôi đề cao hơn hiệu quả năng suất chất lượng. Nếu sản xuất nhỏ mà hiệu quả năng suất chất lượng thì chúng ta ủng hộ trước.

Hai là, làm thế nào phải đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và nông dân, đặc biệt là lợi ích của người nông dân. Doanh nghiệp không làm chỗ này thì chỗ khác, không việc này thì việc khác, người nông dân thì đi đâu, làm gì? Trong quan hệ với doanh nghiệp, yếu thế luôn thuộc về người nông dân, người nông dân phải bảo vệ trước hết.

Tích tụ đến mức nào thì chỉ có một nguyên tắc chung là phải hiệu quả. Người sử dụng đất thuyết minh được tính hiệu quả, đảm bảo được tính hiệu quả thì cho anh mở rộng.

Hiện nay có một số mô hình tích tụ đất đai đã được thực hiện. Nhưng cần xác định rõ quan điểm hiệu quả làm hàng đầu, hài hòa lợi ích làm hàng đầu thì chúng ta sẽ tìm ra được những mô hình phù hợp với tập quán canh tác, đặc điểm tâm lý, người dân sẽ là người nghiệm thu, xác định được phương án nào hiệu quả tốt nhất.

PGS.TS Trần Thị Minh Châu, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Nếu không tính toán kỹ, việc thu hồi và giao đất cho doanh nghiệp sẽ khiến nông nghiệp có thể suy thoái hơn trước

PGS.TS Trần Thị Minh Châu, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Ở nước ta, nông nghiệp và nông dân giữ vai trò rất quan trọng trong duy trì ổn định kinh tế, chính trị, xã hội. Chính vì thế, những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân phải được nghiên cứu và giải quyết một  cách thận trọng.

Tích tụ đất đai dưới bất kỳ hình thức nào cũng nhằm tăng năng suất lao động, hiệu suất sử dụng đất đai, qua đó tăng thu nhập cho người kinh doanh nông nghiệp, đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, đi cùng với những lợi ích nêu trên cũng xuất hiện xu hướng phân hóa giàu nghèo mạnh mẽ ở nông thôn, sẽ xuất hiện một bộ phận nông dân không có đất, không tìm được việc làm. Nhà nước có thể hỗ trợ họ chuyển nghề bằng cách đào tạo, tìm việc làm khác.

Thực tế ở Việt Nam và nhiều nước, việc giải quyết việc làm cho những người này không dễ nhất là đối với những người trung niên. Nếu không tính toán kỹ, việc thu hồi và giao đất cho doanh nghiệp, nông nghiệp có thể suy thoái hơn trước.

Do doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, đầu cơ đất, dự án trong nông nghiệp và Nhà nước phải gánh thêm gánh nặng bảo trợ cho người nghèo ở nông thôn, nhất là những hộ tiếp tục làm nông nghiệp mà không có đất hoặc thiếu đất.

Theo tôi không nên đặt kỳ vọng quá lớn vào tích tụ, tập trung đất đai trong giải quyết đất đai trong giải quyết vấn đề phát triển nông nghiệp hiệu quả, tăng thu nhập cho quảng đại nông dân và thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp. Bởi tình trạng nông nghiệp kém hiệu quả như hiện nay ở nước ta xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó tích tụ, tập trung đất đai không phải là nguyên nhân chủ chốt.

Tích tụ, tập trung đất đai phải đi đôi với cải cách mạnh mẽ các điều kiện của sản xuất nông nghiệp như tổ chức tốt thị trường đầu vào, đầu ra, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, xuất xứ sản phẩm, tăng cường quản lý chất lượng nông sản...

Phải thực hiện toàn diện các giải pháp này thì nông nghiệp Việt Nam mới có thể bước sang một giai đoạn phát triển mới. Dù ở trình độ phát triển nào, trong phát triển nông nghiệp vẫn là bảo vệ lợi ích chính đáng của người nông dân giữ ổn định xã hội nông thôn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục