Tích tụ đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn

15:36' - 14/04/2017
BNEWS Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Để phát triển nền nông nghiệp quy mô lớn và hiện đại, đòi hỏi phải tích tụ, tập trung được quỹ đất phù hợp để tổ chức sản xuất.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thảo - TTXVN

Ngày 14/4, tại Vĩnh Phúc, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị giải pháp tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Định Dũng dự và chỉ đạo hội nghị.
Thực tế đã có nhiều mô hình và phương thức thực hiện tích tụ, tập trung đất đai có hiệu quả, đóng góp tích cực cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp thực hiện còn gặp khó khăn, vướng mắc do chưa thống nhất trong nhận thức và tổ chức thực hiện, do quy định của pháp luật về đất đai và các pháp luật khác có liên quan còn bất cập.

Ngoài ra, có trường hợp chưa thực sự mang lại hiệu quả kinh tế, thậm chí còn tác động tiêu cực đến xã hội do tích tụ, tập trung đất đai chưa đồng bộ với nhiều giải pháp khác như chuyển đổi nghề, tạo việc làm để rút lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp; khuyến khích thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp…
Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi và thảo luận cởi mở để làm rõ một số vấn đề chủ yếu như: phân tích cụ thể nhu cầu cấp bách của việc tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại; đánh giá thực trạng tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp hiện nay.

Phó Thủ tướng lưu ý cần làm rõ các khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân trong quá trình thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông thôn trong đó có việc tích tụ, tập trung đất đai. Đồng thời, phân tích, đánh giá tác động của việc thực hiện chính sách tích tụ, tập trung đất đai đến các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường.

Các đại biểu cần tập trung phân tích tác động tích cực, tiêu cực của việc bỏ quy định về hạn mức tích tụ đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân và không hạn chế đối tượng được tích tụ đất trồng lúa; vấn đề đảm bảo quyền lợi và lợi ích lâu dài, bền vững của người nông dân, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp trong quá trình tích tụ, tập trung đất đai.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thảo - TTXVN

Cùng với đó, các giải pháp then chốt như hoàn thiện pháp luật về đất đai và các pháp luật khác có liên quan, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao... cần đượctập trung làm rõ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, việc tích tụ, tập trung đất đai phải đạt được mục tiêu sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, có năng suất hiệu quả kinh tế, tránh hình thức, làm phong trào. Tích tụ đất đai phải đi đôi với quy hoạch gắn với điều kiện thực tế ở mỗi vùng, địa phương; tích tụ ruộng đất phải lấy các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại có đầy đủ năng lực về tài chính, kiến thức, kinh nghiệm, có khả năng đầu tư toàn diện vào nông nghiệp.

Bên cạnh đó, tích tụ ruộng đất phải gắn với phát triển các ngành nghề dịch vụ tại nông thôn để phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới hướng tới cuộc sống người dân ngày càng hạnh phúc tốt đẹp hơn.

Muốn thực hiện được điều này, cần phải hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật liên quan đến đất đai; xây dựng được các chế tài và các chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, khuyến khích phát triển nông nghiệp.

Đồng thời, tập trung tái cơ cấu kinh tế nông thôn, kinh tế nông nghiệp nhưng phải gắn với thị trường đảm bảo cho hàng hóa tiêu thụ ổn định không những trong nước và ngoài nước; tổ chức sản xuất ở nông thôn hợp lý hơn...
Theo ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, để thực hiện tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn hiệu quả, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác vận động tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân hiểu rõ lợi ích của việc tích tụ, tập trung đất đai; đồng thời, chủ động công tác quy hoạch và hỗ hợ người dân dồn điền đổi thửa, hạ nền cốt ruộng, hệ thống kênh mương tưới cho nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần có các chính sách mở rộng hạn điền, đơn giản hóa các thủ tục hành chính...
Tại hội nghị, một số ý kiến cho rằng việc tích tụ, tập trung đất đai cần xem xét cụ thể đặc điểm từng vùng miền, đánh giá thật cụ thể toàn diện, thận trọng, để tránh bị đơn vị, doanh nghiệp nào đó đứng ra thỏa thuận nhằm lấy đất đai của dân nhưng lại làm việc khác có lợi cho đơn vị, doanh nghiệp, bỏ mặc người dân không việc làm, mất nguồn thu nhập, gây bất ổn cho người dân.

Trên thực tế, các nông trường, lâm trường của Việt Nam đang tích tụ, tập trung đất đai rất lớn nhưng làm ăn không hiệu quả.
Theo báo cáo kiểm kê đất đai năm 2015, cả nước hiện có trên 27.281.000 ha đất nông nghiệp, chiếm trên 82,3% tổng diện tích đất tự nhiên và 88,1% tổng diện tích đất đang sử dụng vào các mục đích của cả nước, trong đó diện tích đất nông nghiệp hộ gia đình, cá nhân đang quản lý, sử dụng chiếm trên 55%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục