Tình tiết mới trong phiên xử vụ án tham nhũng tại Agribank Nam Hà Nội

20:16' - 22/12/2015
BNEWS Trong phiên tòa xét xử vụ án tham nhũng tại Agribank Nam Hà Nội, bị cáo Phạm Thanh Tân khai: Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Agribank đầu tư cho doanh nghiệp mua thương hiệu, một loại tài sản vô hình.

Chiều 22/12, phiên tòa xét xử vụ án tham nhũng tại Agribank Nam Hà Nội được tiếp tục với phần thẩm vấn những sai phạm của bị cáo Phạm Thanh Tân (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn – Agribank).

Nói về việc đầu tư cho Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam vay để mua thương thương hiệu thời trang, bị cáo Phạm Thanh Tân khai: Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Agribank đầu tư cho doanh nghiệp mua thương hiệu, một loại tài sản vô hình.

Trước đó, bản thân ngân hàng Agribank chưa có tiền lệ cho vay về nội dung này. Vì vậy, theo bị cáo Tân, do là lần đầu tiên đầu tư nên có thể có rủi ro.

Bị cáo Phạm Thanh Tân (sinh năm 1955), nguyên Tổng giám đốc Agribank đứng trước vành móng ngựa. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Xoáy sâu vào trách nhiệm của bị cáo nguyên Tổng giám đốc Agribank, chủ tọa phiên tòa hỏi: Xuyên suốt từ dự án Dệt - Nhuộm – May về sau chuyển đổi thành dự án Luxfasion, mua thương hiệu, trước khi bị cáo Tân ký tờ trình nâng quyền phán quyết nâng mức tín dụng, bị cáo có kiểm tra hiệu quả của các dự án trước không?

Bị cáo Tân khai không kiểm tra và cho rằng trong biên bản thanh kiểm tra của lực lượng chức năng không đề cập đến hậu quả của chi nhánh với các dự án trước đó.

Hội đồng xét xử đã viện dẫn Nghị quyết của Hội đồng quản trị Agribank, trên cơ sở đó xác định: Nguồn vốn cho vay đối với Dự án Luxfashion của Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam, thì Agribank Nam Hà Nội tự thu xếp từ nguồn vốn vay tài trợ thương mại hoặc huy động khác, giảm dư nợ cho vay các dự án khác.

Tuy nhiên, trong quá trình điều hành, bị cáo Tân đã ký cho Agribank Nam Hà Nội vay ngoài kế hoạch 75 triệu USD lấy từ tiền của Hội sở.

Về nội dung này, bị cáo Tân cho rằng có quyền phê duyệt để chi tiền cho Agribank Nam Hà Nội. Tuy nhiên, ông Tân giải thích không biết việc Agribank Nam Hà Nội giải ngân cho Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam.

Ông Tân khai có ký cho hai công ty khác vay, sau đó, ông Tân ký để Agribank Nam Hà Nội sử dụng 50 triệu USD.

Khi chủ tọa phiên tòa hỏi, tại sao theo quy định, chi nhánh phải sắp xếp nguồn vốn, trong khi 50 triệu USD là vốn chính của trụ sở. Như vậy có sai với Nghị quyết của ngân hàng không?, bị cáo Tân vẫn khẳng định mình không làm sai, đồng thời cho rằng, hậu quả của sự việc đến nay chưa xác định được cụ thể như thế nào.

Chủ tọa giải thích, là người đứng đầu, đáng lẽ bị cáo phải làm đúng chức năng, chấp hành đúng nghị quyết của Hội đồng quản trị nhưng bị cáo đã làm sai. Quy định là chi nhánh phải tự thu xếp nguồn vốn, nhưng bị cáo Tân lại cho phép chi nhánh sử dụng vốn của Hội sở.

“Việc bị cáo không thấy sai là do nhận thức thôi”, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thị Xuân Thu nhấn mạnh.

Về việc nâng hạn mức vay cho Lifepro lên 400 tỷ đồng, bị cáo Phạm Thanh Tân thừa nhận đã ký vào tờ trình nâng mức hạn vay này trên cơ sở báo cáo của ban tín dụng.

Việc ký tờ trình này được thực hiện sau khi Hội đồng quản trị Agribank đã ký báo cáo thẩm định.

Trên thực tế, nếu hồ sơ do khách hàng cung cấp không đúng với sự thật thì người chịu trách nhiệm chính phải là người đứng đầu.

Bản thân bị cáo Tân đã ký vào các quyết định giải ngân… nhưng ông Tân lại cho rằng, cấp dưới sẽ phải chịu trách nhiệm về điều này. Ông Tân chỉ thấy có đủ thủ tục thì ký.

Chủ tọa tiếp tục chất vấn: “Theo bị cáo, nếu không có tờ trình của Tổng giám đốc Agribank lên Hội đồng quản trị thì chi nhánh được giải ngân?”.

Bị cáo Tân đáp: “Tôi là người có quyền quyết định cho giải ngân”, song ông Tân cũng thừa nhận mình không biết rõ việc công ty trên có tài sản đảm bảo hay không.

“Là người đứng đầu, bị cáo phải nắm rõ”, chủ tọa phiên tòa kết luận.

Trước đó, trong phần thẩm vấn về trách nhiệm ký các tờ trình để nâng mức tín dụng cho Agribank Nam Hà Nội, chủ tọa phiên tòa cũng đã nêu về việc, sau khi giải ngân cho Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam, bị cáo Phạm Thị Bích Lương (nguyên Giám đốc chi nhánh Agribank Nam Hà Nội) đã mang 300.000 USD (trong tổng số 500.000 USD của Công ty Enzo Việt) để “cảm ơn” cho ông Tân.

Tại tòa, bị cáo Tân phủ nhận, cho rằng chỉ một lần duy nhất nhận từ Lương số tiền là 60.000 USD.

Hội đồng xét xử đã cho 2 bị cáo cùng đối chất, bị cáo Lương vẫn tiếp tục khẳng định tổng số tiền đã đưa cho bị cáo Tân là 300.000 USD. Tuy nhiên, bị cáo Lương giải thích: “Tiền này do phía khách hàng nhờ đưa chứ anh Tân không đòi hỏi”.

Ngày 23/12, phiên tòa được tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục