Tp. Hồ Chí Minh lo ngại thị trường bán lẻ bị kiểm soát

16:34' - 30/05/2016
BNEWS Vấn đề thị phần bán lẻ của các doanh nghiệp trong nước và nguy cơ bị kiểm soát thị trường này là nội dung được lãnh đạo UBND Tp. Hồ Chí Minh đề cập nhiều nhất tại cuộc họp diễn ra ngày 30/5.
Sân bãi tập kết container xuất nhập khẩu hàng hóa tại Cảng Sài Gòn – TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ–TTXVN

Kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng khá, các hoạt động phát triển dịch vụ, thương mại, công nghiệp, nông nghiệp đều có hiệu quả trong tháng 5/2016.

Tuy nhiên, nền kinh tế của thành phố vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ và khối sản xuất.

Đó là thông tin tại cuộc họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh Tp. Hồ Chí Minh diễn ra ngày 30/5.

Lo ngại thị trường bán lẻ bị kiểm soát

Tại cuộc họp, vấn đề thị phần bán lẻ của các doanh nghiệp trong nước và nguy cơ bị kiểm soát thị trường này là nội dung được lãnh đạo UBND Tp. Hồ Chí Minh đề cập nhiều nhất.

Với nguồn lực mạnh về tài chính, kinh nghiệm của doanh nghiệp nước ngoài, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND thành phố cho rằng, thị trường bán lẻ trong nước đang bị “tấn công” rất tinh vi và bị "tấn công" từ bên trong. Các doanh nghiệp này đã hình thành nên mạng lưới và tạo ra cả một chuỗi sản phẩm để đưa ra thị trường.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh, hiện các doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm khoảng 36% thị phần bán lẻ trong nước, trong khi doanh nghiệp nước ngoài chiếm đến 51,5%; trong đó chủ yếu ở Tp. Hồ Chí Minh. Việt Nam đang được đánh giá là thị trường bán lẻ tiềm năng của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.

Các nhà bán lẻ hàng đầu của Hàn Quốc xem Việt Nam là thị trường tiêu thụ tiềm năng nhất. Họ có ý định xuất khẩu hàng hóa từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào Việt Nam, thông qua các hình thức như nhập khẩu hàng giá rẻ, các nhãn hàng riêng…

Cũng theo ông Phong, thương hiệu CP của Thái Lan thuộc sở hữu bởi tỷ phú giàu nhất Thái Lan đang có mặt trên địa bàn thành phố.

Metro cũng đã được doanh nghiệp Thái Lan mua và đã đổi thành Mega Market Việt Nam. Còn Robins, Nguyễn Kim, LanChi mart, Zalora, Big C Việt Nam… cũng đang được sở hữu bởi nhà bán lẻ nước ngoài.

Ngoài ra, Aeon của Nhật Bản đang phấn đấu thực hiện chiến lược đưa Việt Nam thành thị trường bán lẻ đứng thứ hai của doanh nghiệp này ở khu vực châu Á, sau Malaysia.

“Với định hướng thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài như trên, nếu chúng ta không có chiến lược để làm đối sách thì nguy cơ mất hẳn thị trường bán lẻ là rất lớn, kéo theo ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền sản xuất trong nước. Mặc dù bây giờ bàn giải pháp là đã chậm, nhưng còn hơn là thấy họ đến mà chịu thua”, ông Phong cho biết.

Trước tình hình này, UBND Tp. Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Công Thương nhanh chóng hoàn thành quy hoạch hệ thống bán lẻ, kinh doanh dịch vụ, thương mại trên địa bàn; xây dựng chương trình thương hiệu của thành phố với những sản phẩm chủ lực cụ thể.

Đồng thời, tổ chức hoạt động kết nối hệ thống siêu thị nội địa để tránh tình trạng bị thua ngay trên sân nhà.

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ chủ trì một cuộc họp bàn giải pháp để giữ vững và phát triển thị trường bán lẻ thành phố.

Nhập siêu 2,16 tỷ USD

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội Tp. Hồ Chí Minh, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố cho biết: Trong 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của thành phố đạt 11,89 tỷ USD, chỉ tăng 1,2% so với cùng kỳ.

Nếu không tính giá trị dầu thô, kim ngạch đạt trên 10,8 tỷ USD, tăng 7,1% so cùng kỳ. Tuy nhiên, thành phố cũng nhập khẩu 14,05 tỷ USD hàng hóa, tăng 9,2% so cùng kỳ. Như vậy, trong 5 tháng đầu năm, thành phố đã nhập siêu 2,16 tỷ USD.

Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là trang thiết bị, nguyên vật liệu cho sản xuất như: dược phẩm tăng 18,6%; sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 23,8%; ô tô nguyên chiếc các loại tăng 58,2%.

Theo đánh giá của một chuyên gia kinh tế, cơ cấu nhập siêu này cho thấy sức cạnh tranh của nền kinh tế thành phố chưa cao, tỷ lệ nội địa hóa còn khá thấp.

Trong 5 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng của Tp. Hồ Chí Minh tăng 0,86% so với cùng kỳ, chủ yếu tăng ở nhóm giao thông, nhà ở điện nước và vật liệu xây dựng.

Theo ông Võ Văn Hoan, mặc dù mức tăng trên là hợp lý, song thành phố cần có những giải pháp kích cầu tiêu dùng, cả về trong dân và doanh nghiệp.

Sản xuất các dòng sản phẩm xe buýt, xe khách và xe chuyên dùng – nhóm mặt hàng công nghiệp chủ lực của TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu-TTXVN

Bởi chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp quá ở các nhóm văn hóa giải trí và du lịch (tăng 0,18%), may mặc mũ nón giầy dép (0,03%)… cũng phản ánh khả năng tiêu dùng trong dân và doanh nghiệp rất ít.

Ông Hoan cho rằng, điều này không kích thích, thúc đẩy sản xuất phát triển, thể hiện rõ nhất qua chỉ số phát triển công nghiệp. Nếu tính riêng từng tháng, chỉ số phát triển công nghiệp của Tp. Hồ Chí Minh trong những tháng qua đều thấp hơn so với cùng kỳ.

Trong tháng 5, chỉ số này chỉ tăng 3,4%, so với mức tăng 8,5% trong tháng 5/2015. Sản xuất tăng chậm cho thấy doanh nghiệp thành phố vẫn đang đối mặt với những khó khăn nhất định.

Mặt khác, có hàng nghìn doanh nghiệp ngưng hoạt động, cùng lúc cũng có hàng nghìn doanh nghiệp mới thành lập, nhưng không biết sẽ trụ được bao lâu khi mà sản xuất tăng chậm khiến doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn.

“Đây là vấn đề không đơn giản, sắp tới tình hình hoạt động của doanh nghiệp có thể gặp khó khăn hơn nữa khi các hiệp định thương mại tự do như TPP được áp dụng.

Khó khăn của doanh nghiệp bao gồm vốn, năng lực cạnh tranh sản phẩm, thị trường và còn nhiều nội dung chúng ta cần phải phân tích, nghiên cứu để có giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Hoan nói.

Để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn trong thời gian tới, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở, ngành có giải pháp khắc phục các chỉ số tụt hạng gồm chỉ số công khai minh bạch và chỉ số chi phí không chính thức và một số chỉ số khác có mức tăng chậm.

Bởi đây là sự cảnh báo quan trọng cho các cơ quan chức năng thành phố cải thiện chất lượng phục vụ.

UBND thành phố cũng sẽ tổ chức cuộc họp chuyên đề về hỗ trợ và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục