Trạm điện gió sẽ góp phần giảm sạt lở bờ biển Bến Tre

12:31' - 01/04/2017
BNEWS Trước những ảnh hưởng do triều cường gây ra, người dân và chính quyền các cấp ở Bến Tre đã làm mọi cách để giảm mức thấp nhất thiệt hại do triều cường gây ra.
Mỗi năm triều cường xâm thực khiến diện tích rừng tỉnh Bến Tre mất khoảng trên 20ha. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền – TTXVN

Nhưng dường như các biện pháp chỉ mang tính chất tạm thời. Hiện tỉnh Bến Tre đang ráo riết kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các trạm điện gió với hy vọng sẽ góp phần làm giảm sạt lở bờ biển.

Xã Thạnh Hải có 16 km bờ biển đều nằm trong tình trạng sạt lở, hàng năm có khoảng 5-7 hộ dân phải di dời. Khu du lịch Cồn Bửng, xã Thạnh Hải, lúc đầu có 56 hộ đăng ký kinh doanh du lịch.

Nhưng triều cường hàng năm gây sạt lở, khiến nhiều quán bị sụp đổ. Hiện khu du lịch Cồn Bửng chỉ còn 11 hộ bám trụ hoạt động.

Trong đợt triều cường những tháng đầu năm 2017, ở khu du lịch Cồn Bửng có một phần diện tích không bị ảnh hưởng do triều cường nhờ bờ kè được xây dựng kiên cố.

Gia đình ông Phạm Văn Vạn có 1.500 m2 đất cho nhiều hộ thuê để kinh doanh du lịch ở Cồn Bửng. Mỗi năm gia đình ông Vạn mất khoảng 150 triệu đồng để khắc phục sự cố do triều cường gây ra. Tháng 3/2016, ông Vạn chi 500 triệu đồng xây dựng bờ kè chiều dài 70m bằng bê tông, sắt và giàn cừ tràm chắn sóng bên ngoài.

Ông Phạm Văn Vạn cho biết, nhờ bờ kè kiên cố này mà mùa chướng vừa rồi các quán chịu được, không bị ảnh hưởng. Khi triều cường dâng, nhờ có giàn cừ tràm bên ngoài nên che chắn bớt, nếu đê bao bị sụt lún thì sửa chữa ngay để bờ kè không bị nứt, sạt lở.

“Trước đây bờ biển ở rất xa nhưng gần đây do biến đổi khí hậu nên sạt lở nhiều, vào sâu khoảng 30-40m. Người dân ở đây chủ yếu làm du lịch, mọi người ứng phó với triều cường bằng cách tấn bao cát nên bị sạt lở suốt, điều kiện khắc phục ở đây gặp rất nhiều khó khăn.

Khi tôi làm bờ kè kiên cố rất nhiều hộ cũng muốn làm theo nhưng kinh phí không cho phép. Mong rằng Nhà nước tạo điều kiện làm bờ kè để bà con sinh sống lâu dài hơn”, ông Vạn mong muốn.

Theo ông Hà Văn Doi, Chủ tịch UBND xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, vào tháng 10 hàng năm UBND xã thông báo cho người dân chủ động ứng phó triều cường sạt lở. Người dân đắp bờ, đóng cọc cừ tràm, mua bao chứa cát để tấn bờ hạn chế triều cường xâm nhập gây sạt lở.

Đa phần những giải pháp này chỉ khắc phục trước mắt chứ không mang tính bền vững. Nếu không có những dự án lớn đầu tư làm bờ đê vững chắc thì chỉ khoảng 2-3 năm nữa sạt lở sẽ còn nghiêm trọng và lấn sâu vào đất liền.

Triều cường tháng 2/2017 khiến trại nuôi tôm giống ở ấp Thạnh Hải, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú bị sụp đổ hoàn toàn, phải di dời đi nơi khác. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền – TTXVN

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng cho biết những đợt triều cường các tháng đầu năm 2017 khiến khu vực Cồn Nhàn, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri và khu vực Cồn Bửng, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú bị tác động nặng nề nhất. Mỗi đợt triều cường gây ra xâm thực rất lớn và ngày càng tác động mạnh mẽ.

Để xử lý khắc phục tình trạng triều cường gây sạt lở, vừa qua tỉnh Bến Tre đã triển khai khảo sát và xử lý việc trồng rừng. Tuy nhiên, trên nền cát việc trồng rừng để bảo vệ bờ biển cực kỳ khó khăn.

UBND tỉnh cũng đang chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai tiếp thực hiện giải pháp xây bờ kè mềm. Sau đó đề nghị Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh lại dự án trồng rừng, tạo bồi.

Hiện nay, tỉnh Bến Tre đã được Chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu (SP-RCC) hỗ trợ trồng rừng phía trong chứ không phải trồng rừng phía ngoài để tạo bồi ngăn sóng tại những điểm sạt lở. Đồng thời thúc đẩy xây dựng các khu dân cư tái bố trí giúp người dân di dời để bảo vệ tính mạng người dân.

Với tốc độ sạt lở ngày càng nghiêm trọng, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tạm thời ngưng việc thi công đường vành đai Bảo Thuận – An Thủy tại khu vực Cồn Nhàn vì nguy cơ sạt lở rất lớn, có nguy cơ đe dọa đê biển mà tỉnh đã thi công trong những năm qua.

Hiện nay, tỉnh Bến Tre cũng đang tập trung ráo riết cho dự án đê biển Ba Tri vì nếu tình hình sạt lở thì trong vòng 2-3 năm nữa đê biển của huyện Ba Tri sẽ không còn.

“Tỉnh Bến Tre cũng đang đầu tư phát triển các dự án năng lượng điện gió. Chúng tôi hy vọng nếu những điểm bị ảnh hưởng do triều cường gây sạt lở có những trạm điện gió thì nguy cơ sạt lở sẽ chậm lại.

Do khi lắp được những trạm điện gió sẽ cản được gió vào đất liền rất nhiều đồng thời tạo lực hút ở trong đi ra thì bồi sẽ tạo ra và lở sẽ hạn chế. Hiện nay, UBND tỉnh Bến Tre đang đàm phán với các nhà đầu tư điện gió để thúc đẩy đầu tư xây dựng trạm điện gió ở những khu vực sạt lở trước”, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết.

>>> Đến năm 2020, Quảng Trị sẽ có 4 nhà máy điện gió

>>> Giá mua điện gió chưa đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục