Trăn trở phát triển đường thủy nội địa

10:58' - 24/12/2016
BNEWS Cùng với phát triển giao thông đường bộ, việc phát triển giao thông đường thủy nội địa đang là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giao thông vận tải.
Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Hoàng Hồng Giang. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Phóng viên BNEWS có cuộc trao đổi với ông Hoàng Hồng Giang, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam xung quanh các giải pháp phát triển ngành đường thủy nội địa nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành (1956-2016)

BNEWS: Ông có thể đánh giá những thành tích nổi bật của ngành đường thủy nội địa Việt Nam trong 60 năm qua ?

Cục trưởng Hoàng Hồng Giang: 60 năm trước, Cục Vận tải Đường thủy tiền thân của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã được thành lập, đặt nền móng cho sự ra đời, trưởng thành và phát triển của ngành đường thủy Việt Nam.

Trải qua chặng đường 60 năm vượt qua vô vàn khó khăn thử thách, ngành đường thủy nội địa Việt Nam đã xây đắp lên những thành tích, ghi vào bề dày lịch sử vẻ vang của đất nước, của ngành Giao thông vận tải. Trong suốt 60 năm qua, ngành đường thủy nội địa Việt Nam luôn vinh dự, tự hào được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Thành tích nổi bật của ngành đường thủy nội địa được thể hiện qua các giai đoạn: Trong 10 năm bị Đế quốc Mỹ đánh phá dữ dội (1965-1975) đã có hàng nghìn cán bộ, công nhân lao động, thanh niên xung phong, dân công hy sinh trong chiến đấu trên mặt trận rà phá bom mìn, nạo vét thông luồng, chống phong tỏa bảo đảm an toàn giao thông và vận tải trên khắp các sông, kênh miền Bắc.

Nhiều tấm gương dũng cảm của các tập thể và cá nhân điển hình là đội phá bom mìn ngành đường sông (với tàu VT5), đội phá bom của công ty tàu Cuốc (với tàu TC9), cảng Hà Nội….

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, lực lượng rà phá bom mìn của Cục và các đơn vị đã được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Huân chương Chiến công, tặng cờ Đơn vị lập chiến công phá gỡ bom mìn giặc Mỹ...

Ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngành đường thủy nội địa đã tập trung cho mục đích xây dựng, phát triển kinh tế; tham gia tích cực vào công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Đây là thời gian thử thách vô cùng to lớn đối với thế hệ lãnh đạo của ngành, trăn trở đổi mới để phát triển.

Bước vào những năm đầu thế kỷ 21, công tác xây dựng hoàn thiện thể chế được chú trọng triển khai quyết liệt để sớm hoàn thiện hệ thống văn bản luật điều chỉnh toàn bộ hoạt động của ngành vận tải thủy nội địa và phù hợp với Luật sửa đổi một số điều của Luật giao thông Đường thủy nội địa có hiệu lực từ 1/1/2015, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

Cùng với việc triển khai các đề án chiến lược, quy hoạch phát triển, ngành tập trung vào đổi mới thể chế, chính sách và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển lĩnh vực đường thủy nội địa.

Đồng thời, tổ chức khai thác, quản lý hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành….

Đặc biệt, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 13 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, bộ mặt kết cấu hạ tầng giao thông đã có chuyển biến rõ rệt; trong đó có lĩnh vực đường thủy nội địa.

Hiện nay vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 1.082 km đường thủy, vùng Đồng bằng Bắc bộ có 462 km đường thủy.

Ngành cũng xây mới và nâng cấp một số cảng chính, bến khách, bến hàng hóa, phát triển tuyến vận tải ven biển nhằm nâng cao năng lực vận tải hàng hóa giảm tải cho đường bộ.

Tổng kết thành tích 60 năm qua, ngành vận tải đường thủy nội địa đã đạt hơn 123 triệu hành khách với hơn 160 triệu tấn hàng hóa.

Vận tải thủy hiện chiếm 18% thị phần vận tải hàng hóa, mức tăng trưởng 5-6% mỗi năm.

Nhiều mặt hàng vốn trước đây chủ yếu đi bằng đường bộ như quặng, xi măng, sắt thép, nông sản… nay đã chuyển sang đường thủy để giảm chi phí vận tải.

Bên cạnh sản lượng tăng, lĩnh vực đường thủy đang có xu hướng phát triển các phương tiện vận tải hàng hóa trọng tải lớn, từ vàn nghìn tấn trở lên, để chạy sâu trong nội địa và kết nối với tuyến vận tải ven biển đã được mở từ Quang Ninh – Kiên Giang. Phương tiện sông pha biển (tàu SB) có sự gia tăng nhanh chóng, với hơn 600 tàu và gần 1.000 doanh nghiệp tham gia tuyến vận tải ven biển chỉ sau 2 năm đưa vào khai thác (từ năm 2014).

Điểm đáng chú ý là đã hình thành tuyến vận tải container trên một số tuyến và xuất hiện phương tiện du lịch đường thủy, chở khách trên đường sông…

Tín hiệu đáng mừng khác là một số doanh nghiệp lớn đang quan tâm tìm hiểu để đầu tư xây dựng các cảng đầu mối ở phía Bắc, phía Nam để mở tuyến vận tải mới…

BNEWS: Theo định hướng phát triển, giao thông đường thủy sẽ được phát triển một cách đồng bộ. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?

Cục trưởng Hoàng Hồng Giang: Tất cả các mặt của giao thông đường thủy từ luồng tuyến, cảng bến, thiết bị bốc xếp, phương tiện vận tải và năng lực quản lý… sẽ được phát triển đồng bộ nhằm đáp ứng yêu cầu vận tải hàng hóa và hành khách với chất lượng ngày càng cao, giá thành hợp lý và an toàn.

Cùng với đó việc đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa sẽ được quan tâm hơn nữa nhằm gắn kết với mạng lưới giao thông khác tạo thành hệ thống liên hoàn, thông suốt. Kết hợp giữa phát triển giao thông đường thủy nội địa với các ngành khác như thủy lợi, thủy điện. Mở một số tuyến vận tải mới như tuyến ven biển, tuyến quốc tế, tuyến chuyên container.

Phát triển đội tàu vận tải theo hướng trẻ hóa, cơ cấu hợp lý; tăng chiều dài đường thủy nội địa được quản lý và khai thác vận tải; hiện đại hóa hệ thống báo hiệu; kênh hóa các đoạn sông qua các đô thị lớn.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có kế hoạch hiện đại hóa một số cảng đầu mối, cảng chính ở các vùng kinh tế trọng điểm, cảng chuyên dùng; nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa bốc xếp đối với các cảng địa phương; xây dựng một số cảng khách, bến khách.

Để hỗ trợ cho phát triển giao thông thủy nội địa, Bộ Giao thông Vận tải đang khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải thủy.
BNEWS: Để tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của ngành đường thủy, trong năm 2017, ngành đường thủy sẽ thực hiện những giải pháp nào thưa ôn?

Cục trưởng Hoàng Hồng Giang: Có thể nói vận tải thủy trong thời gian qua có sự tăng trưởng vượt bậc, nhưng chưa phản ánh đúng lợi thế của loại hình vận tải giá rẻ, vận tải hàng siêu trường, siêu trọng, an toàn và thân thiện với môi trường.

Vì vậy, trong thời gian tới, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đưa ngành đường thủy nội địa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của nó.

Cụ thể, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch và các đề án; Hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, tiếp tục triển khai tái cơ cấu vận tải thủy nội địa đến năm 2020 theo Đề án đã được phê duyệt, tăng cường kết nối với các phương thức vận tải khác nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ.

Bên cạnh đó, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tiếp tục phối hợp với các bộ, ban ngành liên quan tháo gỡ những vướng mắc cơ chế về hàng hóa quá cảnh để khai thác hiệu quả tuyến vận tải thủy Việt Nam - Campuchia nhằm nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu từ Đồng bằng sông Cửu Long, tăng hàng hóa trung chuyển tới các cảng biển tại Tp. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cái Mép-Thị Vải để Đồng bằng sông Cửu Long trở thành trung tâm trung chuyển hàng hoá quốc tế, phát huy năng lực của khu vực cảng nước sâu Thị Vải – Cái Mép.

Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh tuyến vận tải ven biển nhằm giảm tải cho đường bộ trên tuyến hành lang vận tải Bắc-Nam….

BNEWS: Xin cảm ơn Cục trưởng!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục