Trên 42.300 ha lúa ở phía Bắc sản xuất theo “cánh đồng lớn”

15:14' - 13/12/2016
BNEWS Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, các tỉnh phía Bắc xây dựng được 859 mô hình “cánh đồng lớn” với trên 42.300 ha trong sản xuất lúa vụ Hè Thu, vụ Mùa 2016, tăng gần 2.700 ha so với cùng kỳ vụ trước.
Hiện các tỉnh phía Bắc xây dựng được 859 mô hình “cánh đồng lớn” với trên 42.300 ha trong sản xuất lúa các vụ. Ảnh: Trịnh Duy Hưng

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết qua một số năm triển khai thực hiện cánh đồng lớn, các địa phương đã rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức triển khai, quy mô v à hình thức để đem lại hiệu quả cao nhất.

Hầu hết các tỉnh đã có quy hoạch vùng cho sản xuất hàng hóa tập trung quy mô từ vài chục đến hàng trăm héc ta trở lên. Không chỉ với cây lúa, nhiều loại cây trồng khác như ngô, rau đậu các loại cũng được sản xuất theo cánh đồng lớn.

Bên cạnh việc tích cực phát triển mô hình cánh đồng lớn, một số địa phương đã có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất như Thanh Hóa, Thái Bình, Hà Nội, Hải Dương, Nam Định... góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trong trồng trọt nói chung và sản xuất lúa nói riêng.

Do vậy, các mô hình cánh đồng lớn đã tăng cường mối liên kết giữa người sản xuất với các doanh nghiệp. Đồng thời, khẳng định tính bền vững, hiệu quả trong thực hiện liên kết 4 nhà, tạo điều kiện cho nông dân sẽ có thu nhập cao hơn so với sản xuất thông thường.

Điển hình tại Nam Định, mô hình thuê gom, tích tụ ruộng đất của Công ty TNHH Cường Tân để sản xuất giống lúa theo cánh đồng lớn, lợi nhuận đạt 70-80 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 7-8 lần so với sản xuất lúa đại trà. Hay Công ty TNHH Toản Xuân ký hợp đồng tiêu thụ 155 ha lúa cho nông dân trong tỉnh.

Để phát triển cánh đồng lớn, nhiều tỉnh, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo, cùng với đó là các chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng mô hình như Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tỉnh, Hà Nội...

Các địa phương đã gắn xây dựng cánh đồng lớn với dồn điền đổi thửa, thiết kế lại đồng ruộng và xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở đó, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Đồng thời, qua đó nghiên cứu phát hiện những nhân tố mới trong sản xuất để bổ sung kịp thời.

Ngoài áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm, các địa phương đặc biệt quan tâm tới việc đưa nhanh cơ giới hóa và sản xuất nhằm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, các địa phương đã chủ động xây dựng chương trình đưa máy làm đất, may gặt đập liên hợp vào sản xuất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục