Để vụ Đông trở thành vụ sản xuất chính

11:28' - 22/10/2016
BNEWS Vụ Đông 2016, các tỉnh miền Bắc phấn đấu sản xuất 430.000 ha, tăng 20.000 ha so với vụ Đông 2015. Giá trị sản xuất dự kiến đạt 55-60 triệu đồng/ha, đạt khoảng 23.000 – 25.000 tỷ đồng.
Các tỉnh miền Bắc tích cực chuẩn bị công tác gieo cấy, sản xuất cho vụ Đông. Ảnh: Vũ Hoàng Kiều My/TTXVN

Sản xuất vụ Đông tại miền Bắc đã được hầu hết các địa phương xác định là vụ sản xuất chính với hiệu quả kinh tế rất lớn và mang lại giá trị thu nhập cao cho nông dân. Các địa phương cũng đều có các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất vụ Đông. Tuy nhiên, các địa phương cho rằng, vẫn còn thiếu bóng dáng chính sách cho phát triển vụ sản xuất hàng hóa chính này.

Kế hoạch sản xuất vụ Đông 2016 đã được các tỉnh xây dựng từ đầu năm cùng với kế hoạch sản xuất  trồng trọt. Bởi để có đất sản xuất vụ Đông, các địa phương phải có kế hoạch ngay từ sản xuất vụ Mùa, thậm chí vụ Xuân. Vụ Mùa phải được sản xuất sao cho thời gian thu hoạch sớm hơn trung bình hàng năm 10 ngày để kịp thời vụ cho gieo trồng các loại cây ưa ấm.

Bên cạnh đó, dự báo thị trường tiêu thụ các sản phẩm cây vụ Đông cho thấy, thị trường này tiếp tục ổn định, khả năng tiêu thụ các sản phẩm trong nước cũng như xuất khẩu có xu hướng tăng, nhất là các cây có lợi thế như ớt cay, ngô ngọt, dưa bao tử, cây thức ăn chăn nuôi….

Vì vậy năm nay, riêng địa bàn tỉnh Thanh Hóa phấn đấu sẽ gieo trồng 50.000 ha cây vụ Đông; trong đó, có 20.000 ha ngô trồng trên đất hai vụ lúa, 3.000 ha đậu tương và đặc biệt rau đậu các loại là 18.000 ha trở lên.

Dự báo thị trường tiêu thụ các sản phẩm cây vụ Đông vẫn ở mức cao. Ảnh: Thu Hoài

Theo ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đã chuẩn bị cơ cấu mùa vụ từ vụ Xuân đến vụ Mùa nhằm tạo quỹ đất cho vụ Đông. Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương tổ chức thu hoạch nhanh, gọn diện tích trà lúa Mùa sớm, thu hoạch đến đâu giải phóng đất trồng và trồng cây đến đó, đảm bảo gieo trồng vụ Đông trong khung thời gian thời vụ tốt nhất.

Ngoài ra, Thanh Hóa đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ sản xuất vụ Đông trên 11,2 tỷ đồng; ưu tiên mở rộng tối đa diện tích ngô, đậu tương trên đất 2 vụ lúa. Đồng thời, hỗ trợ trồng ngô trên đất 2 vụ lúa 650.000 đồng/ha. Các doanh nghiệp, hợp tác xã thuê đất, mượn đất để sản xuất hàng hóa vụ Đông được hỗ trợ 3 triệu đồng/ha; hỗ trợ doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm với địa phương.

Tỉnh cũng khuyến khích các địa phương chủ động tìm kiếm, gặp gỡ, đối thoại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân theo phương thức liên doanh, liên kết “cánh đồng lớn”.

Điển hình như sản xuất khoai tây Marabel với Công ty An Việt, sản xuất đậu tương với Công ty xuất nhập khẩu Đồng Giao… nhằm nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho cả nông dân và doanh nghiệp.

Để từng bước nâng cao chất lượng rau mùa vụ Đông, rau màu đạt tiêu chuẩn an toàn, Thanh Hóa cũng hỗ trợ đưa các giống: ngô, khoai tây, đậu tương, các cây rau màu tốt… tới nông dân.

Người dân tích cực tham gia gặt lúa, chuẩn bị cho vụ mùa sau. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN

Tại tỉnh Nam Định, để tăng diện tích sản xuất cây vụ Đông, tỉnh này đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tham gia nhưng tỉnh này sẽ không làm vụ Đông theo phong trào. Với hệ thống các công trình thủy lợi nội đồng tỉnh đầu tư nâng cấp, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới về giống, mô hình hiệu quả cũng đã được áp dụng trong thực tiễn sản xuất. Chẳng hạn như mô hình cánh đồng mẫu lớn liên kết trong sản xuất, tiêu thụ cây vụ Đông chế biến xuất khẩu; trồng khoai tây, dưa chuột, bí xanh trên đất 2 vụ lúa…

Theo ông Đỗ Hải Điền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định, vụ Đông này, tỉnh phấn đấu sản xuất trên 15.000 ha; trong đó, có 5.500 ha trên đất hai vụ lúa. Tỉnh sẽ xây dựng khoảng 10 mô hình liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây vụ Đông hàng hóa; xây dựng khoảng 10 mô hình sản xuất rau hữu cơ áp dụng công nghệ Nhật Bản.

Ông Đỗ Hải Điền kiến nghị, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và rau quả tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại. Từ đó, hỗ trợ tích cực địa phương trong thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cây vụ Đông.

Theo ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, hiệu quả sản xuất cây vụ Đông rất lớn. Để vụ Đông thực sự trở thành vụ sản xuất chính, cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Ông Quyền đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Chính phủ có chính sách quốc gia để phát triển cây vụ Đông. Bên cạnh đó, có chính sách  theo hướng trợ giá giống cho nông dân với các giống chủ lực như ngô, khoai tây, đậu tương và một số loại rau xuất khẩu.

Đồng thời, có chính sách cho doanh nghiệp liên kết và tiêu thụ trong sản xuất cây vụ Đông. Hay chính sách hỗ trợ thủy lợi phí trong sản xuất vụ Đông bởi hiện thủy lợi trong sản xuất vụ Đông là làm theo chỉ đạo của tỉnh và ngân sách địa phương hỗ trợ khi được giao nhiệm vụ.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam bày tỏ, cần có chính sách quốc gia về giống cây trồng cho vụ Đông và có chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cũng như liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây vụ Đông. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần nâng cao công nghệ chế biến, tạo ra giá trị gia tăng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục