BNEWS
Một số vùng Đồng bằng sông Cửu Long do tình hình xâm nhập mặn vừa qua, nông dân không sản xuất lúa Thu Đông, chuyển lịch thời vụ xuống giống Đông Xuân sớm hơn nhằm tránh hạn mặn năm 2017.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại các tỉnh miền Nam sau khi thu hoạch lúa Mùa và lúa Thu Đông sớm, nông dân một số nơi có tập quán sản xuất Đông Xuân sớm đã khẩn trương làm đất để xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2016-2017.
Ở một số địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long do tình hình xâm nhập mặn vừa qua, nông dân không sản xuất lúa Thu Đông, chuyển lịch thời vụ xuống giống Đông Xuân sớm hơn nhằm tránh hạn mặn năm 2017.
Thêm vào đó, bước sang tháng 11 lượng mưa giảm đáng kể, thuận lợi cho nông dân xuống giống. Đến nay, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã gieo cấy 440.100 ha, tăng 23% so với vụ Đông Xuân 2015-2016.
Do ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn nên diện tích gieo trồng lúa Mùa ở các địa phương phía Nam chỉ đạt 686.000 ha, giảm 71.000 ha chủ yếu ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long do nhiễm mặn và chuyển đổi mùa vụ. Năng suất vụ Mùa ước trên diện tích thu hoạch đạt 49,1 tạ/ha, tăng 1,3 tạ/ha với cùng kỳ.
Đến nay, các địa phương phía Bắc cũng đã cơ bản thu hoạch xong lúa Mùa. Diện tích lúa Mùa ở các tỉnh phía Bắc năm nay chỉ đạt 1.153.000 ha, giảm 14.000 ha so với vụ Mùa 2015 (tương đương 1,2 %).
Nguyên nhân của sự sụt giảm là do hạn hán, thiếu nước ở đầu vụ khiến nhiều diện tích ở các tỉnh không cấy được như Cao Bằng, Thanh Hóa. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chủ yếu lấy làm đường giao thông, kênh mương thủy lợi và các công trình cộng cộng khác ở các địa phương cũng làm giảm diện tích gieo cấy.
Do thời tiết diễn biến bất thường (nắng nóng đầu vụ, mưa bão gây ngập úng) nên năng suất lúa Mùa các tỉnh phía Bắc ước đạt 49,8 tạ/ha, giảm 0,3 tạ/ha so với vụ Mùa năm trước, sản lượng ước đạt 5,78 triệu tấn, giảm khoảng 70.000 tấn./.