Triển vọng châu Á – Điểm nhấn của BFA 2018

05:30' - 17/04/2018
BNEWS Năm 2018 là tròn 40 năm thực hiện cải cách mở cửa tại Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) 2018.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: THX/TTXVN

Trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định "các đề xuất Bác Ngao" đã giúp xây dựng lòng tin tại châu Á, khuyến khích hợp tác, thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế và tăng cường xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh. Ông nhấn mạnh: "Điều quan trọng nhất là, đối với mọi quốc gia, để trẻ hóa cần đi theo logic của lịch sử và xu hướng của thời đại trong khi theo đuổi sự phát triển và tiến bộ".

Châu Á cũng là điểm nhấn trong các báo cáo nổi bật được công bố trước ngày khai mạc Diễn đàn tại Trung tâm Báo chí Diễn đàn châu Á Bác Ngao. Nhiều báo cáo đánh giá tăng trưởng và sức cạnh tranh của các nền kinh tế châu Á cơ bản ổn định. 

Trong báo cáo về nhất thể hóa kinh tế châu Á, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương Lâm Quế Quân cho biết “Báo cáo về nhất thể hóa kinh tế châu Á năm 2018” đã khảo sát sự tăng trưởng về thương mại, đầu tư của châu Á trong vòng một năm qua. Theo ông, về tổng thể, trong năm 2017 tình hình thương mại của châu Á tốt hơn so với năm trước đó, tuy nhiên vẫn còn kém xa so với thời kỳ hoàng kim trước đây.

Báo cáo cho biết hiện nay tình hình thương mại, tài chính của châu Á đang đối mặt với những khó khăn lớn, để giải quyết những vấn đề đang tồn tại cần có những biện pháp mạnh mẽ và hiệu quả. Cùng với việc nền kinh tế chủ chốt trên thế giới nhanh chóng chuyển sang khuynh hướng bảo hộ thương mại, nội bộ châu Á rất cần đến sự hợp tác khu vực chặt chẽ. 

Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trên thực tế đã khép lại khu vực thương mại tự do quy mô này, trong khi đó Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do ASEAN đưa ra lại trở thành công cụ hữu hiệu để phòng ngừa nguy cơ các thành tựu của toàn cầu hóa bị đảo ngược.

Khi việc quản trị kinh tế thế giới ở vào thời điểm khó khăn, hiện giờ là thời điểm các nhà lãnh đạo châu Á phát huy hết mức vai trò của RCEP. Đây cũng là sách lược hiệu quả để thúc đẩy toàn cầu hóa và đối phó với nhiều thách thức mà kinh tế châu Á đang gặp phải.

Trong khi đó, bản “Báo cáo về sức cạnh tranh của châu Á năm 2018” cho thấy cùng với việc tiếp tục thúc đẩy tiến trình nhất thể hóa châu Á, xét về tổng thể các nền kinh tế châu Á được hưởng lợi từ tiến trình nhất thể hóa, duy trì được động lực tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo lời Phó Trưởng ban Nghiên cứu Kinh tế thuộc Trung tâm Giao lưu Kinh tế Quốc tế Trung Quốc Lưu Hướng Đông, báo cáo này đã tiến hành phân tích, đánh giá về sức cạnh tranh của 37 nền kinh tế châu Á. Trong đó Singapore, Hong Kong, Hàn Quốc, Đài Loan lần lượt chiếm vị trí hàng đầu. Vị trí xếp hạng của Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam (năm 2017 Việt Nam xếp thứ 22/37 nền kinh tế châu Á, tăng một bậc so với năm 2016) đang dần gia tăng.

Xem xét kết quả đánh giá sức cạnh tranh được đưa ra trong 8 năm gần đây, do các ưu thế về nền tảng cơ sở hạ tầng, mức độ phát triển của xã hội, nguồn nhân lực và khả năng sáng tạo nên Nhật Bản, Australia, New Zealand, Israel luôn đứng ở tốp đầu về sức cạnh tranh tổng hợp của của 37 nền kinh tế châu Á.

Xét về góc độ cạnh tranh, sức cạnh tranh tổng thể của châu Á đã trải qua một quá trình tăng dần, đặc biệt là hình thức phát triển của các nền kinh tế chủ chốt tại châu Á có những cải thiện đáng kể về tính ổn định và bền vững.

Xét về góc độ xếp hạng, vị trí xếp hạng về sức cạnh tranh tổng hợp của đa số các nền kinh tế châu Á không có nhiều thay đổi. Xếp hạng về sức cạnh tranh của tốp đầu và tốp cuối trong bảng xếp hạng có xu hướng ổn định, nhưng khoảng cách về điểm tổng hợp của các nền kinh tế đang dần thu hẹp.

BFA là diễn đàn đối thoại quan trọng, quy tụ các nhà lãnh đạo, doanh nghiệp, chuyên gia và học giả cùng nhau thảo luận về những vấn đề kinh tế-xã hội có ý nghĩa then chốt đối với tương lai của châu Á. Với chủ đề "Một châu Á cởi mở và đổi mới vì một thế giới thịnh vượng hơn", BFA 2018 thu hút sự tham gia của hơn 2.000 đại biểu.

Được coi là Diễn đàn kinh tế thế giới của khu vực châu Á, BFA năm nay diễn ra trong bối cảnh châu Á đang phải đối mặt với nhiều thách thức, từ an ninh tới môi trường, từ vấn đề cạnh tranh, ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa đến tác động của xu thế bảo hộ thương mại đang trỗi dậy..., buộc các nền kinh tế châu lục này cần phải tìm ra cách thức ứng phó hiệu quả.

           

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục