Trồng vải thiều trên đất kém dinh dưỡng đem lại hiệu quả kinh tế cao

20:10' - 20/05/2017
BNEWS Nhiều hộ gia đình ở Đắk Lắk đã trồng thành công cây vải trên vùng đất kém dinh dưỡng, đem lại hướng đi mới trong phát triển kinh tế.
Trồng vải thiều trên đất kém dinh dưỡng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: TTXVN

Những năm qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích đất canh tác kém hiểu quả sang đầu tư vào trồng vải thiều. Nhiều nông hộ đã trồng thành công cây vải thiều trên vùng đất kém dinh dưỡng, đem lại hướng đi mới trong phát triển kinh tế.
Ea Kar hiện là huyện có diện tích trồng vải thiều nhiều nhất tỉnh, đặc biệt, cây vải thiều ở đây chủ yếu được trồng trên các vùng đất bạc màu, kém dinh dưỡng, nhưng lại cho năng suất cao và ổn định.
Anh Đỗ Công Hải, thôn 2, xã Ea Sar, huyện Ea Kar cho biết, gia đình anh hiện có 1 ha vải thiều, sản lượng ước tính gần 20 tấn, được thương lái mua tại vườn với giá 50.000 đồng/kg. Trừ chi phí sản xuất, nhân công gia đình anh thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Anh Hải cho biết thêm, cây vải không kén đất, có thể trồng trên đất khô cằn và cho sản lượng cao, điều quan trọng là phải nắm được kỹ thuật canh tác, điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm và quá trình sinh trưởng của cây cho phù hợp với đặc thù khí hậu vùng Tây Nguyên.

Nếu nắm được kỹ thuật chăm sóc và điều khiển được thời gian ra hoa, đậu quả thì đảm bảo năng suất và giá thành ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Cũng trồng vải thiều trên đất bạc màu, ông Đinh Văn Đá, thôn 2, xã Ea Sô, huyện Ea Kar chia sẻ, trước đây, gia đình ông chủ yếu trồng điều nhưng do năng suất thấp, giá thành không ổn định, năm 2012, ông chuyển đổi 2 ha đất sang trồng cây vải thiều.

Năm nay, ông có 1 ha vải thu hoạch, sản lượng đạt khoảng 10 tấn, trừ chi phí sản xuất ông thu khoảng 450 triệu đồng. “Nếu áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc và điều chỉnh được quá trình sinh trưởng của cây thì chắc chắn vải thiều sẽ đem lại nguồn lợi kinh tế cao, không thua kém gì các cây công nghiệp khác” ông Đá khẳng định.
Ông Trần Văn Âm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Sar, huyện Ea Kar cho biết, trên địa bàn xã đã có nhiều hộ chuyển đổi một phần diện tích đất kém dinh dưỡng để trồng vải thiều, bước đầu cây vải đã đem lại thu nhập khá cao cho người nông dân.

Hiện xã Ea Sar đã trồng thử nghiệm 16 mô hình vải thiều với 1.600 cây đã ra hoa, nếu cây phát triển tốt, cho năng suất ổn định thì địa phương xác định cây vải là một trong những cây có thể làm giàu cho người nông dân trên địa bàn xã.
Theo Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, cây vải ở Đắk Lắk có ưu thế chín và thu hoạch vào tháng 4 - 5 hàng năm, sớm hơn vải của miền Bắc một tháng nên giá thành cao.
Tuy nhiên, ở Đắk Lắk có nhiều vùng sinh thái khác nhau, khí hậu không ổn định, hơn nữa cây vải đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc tỉ mỉ, khó điều khiển thời điểm ra hoa, đậu quả, vì vậy, Chi Cục cũng khuyến cáo người dân nên thận trọng khi mở rộng diện tích và chuyển đổi cây trồng.
Hiện toàn tỉnh Đắk Lắk có 297 ha vải thiều, tập chung chủ yếu ở các huyện Ea Kar, Krông Năng, M’ Đrăk, thị xã Buôn Hồ…./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục