Trung Quốc có thể làm gián đoạn đà phục hồi kinh tế Đông Nam Á

05:30' - 14/07/2017
BNEWS Hai mươi năm sau ngày xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ châu Á, giờ đây Trung Quốc được nhìn nhận là yếu tố lớn nhất có thể làm gián đoạn đà phục hồi kinh tế của khu vực Đông Nam Á.
Trung Quốc có thể làm gián đoạn đà phục hồi kinh tế Đông Nam Á. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích của tờ Thời báo tài chính Anh (The Financial Times), tham vọng của Bắc Kinh trong việc lấy tiêu dùng trong nước làm động lực tăng trưởng chủ chốt có thể không phải là điều tốt cho các nước láng giềng. 

Trái ngược với 20 năm trước, thời điểm đồng baht mất giá đã châm ngòi cho sự xuống giá mạnh của một loạt đồng tiền châu Á, ngày nay khu vực này lại có phần lo ngại về xu hướng tăng giá của các đồng tiền trong khu vực. Hoạt động thương mại gia tăng đang góp phần đẩy xuất khẩu của các nước sản xuất hàng hóa ở Đông Nam Á cũng như các nước và vùng lãnh thổ chế tạo hàng điện tử như Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc đi lên.

Theo các nhà kinh tế thuộc ngân hàng ANZ, nhìn chung những yếu tố bất ổn dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á năm 1997 đã lùi xa và nền tảng kinh tế giờ đã vững hơn. Theo Viện Tài chính Quốc tế, trên thực tế, tháng Sáu ghi nhận tháng thứ bảy liên tiếp dòng vốn tài chính chảy vào các thị trường mới nổi liên tục tăng, chuỗi tăng dài nhất kể từ năm 2014.

Riêng trong tháng 6/2017, dòng vốn tài chính đứng ở mức 17,8 tỷ bảng, đưa tổng dòng vốn tài chính, bao gồm cả nợ và cổ phiếu, trong quý II/2017 đạt tổng cộng 56 tỷ bảng. Với kết quả tích cực trong quý I/2017, sáu tháng đầu năm 2017 ghi nhận phần lớn dòng vốn tài chính chảy vào các thị trường mới nổi.

Các thị trường châu Á không nhắm mắt làm ngơ trước quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hồi tháng trước cũng như không hoang mang trước việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) thắt chặt chính sách tiền tệ. Các nhà đầu tư tin rằng trong bối cảnh Chủ tịch Fed Janet Yellen vẫn quan ngại lạm phát tăng chậm, Fed sẽ tạm ngừng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ.

Gần 2.000 tỷ USD trái phiếu và các khoản cho vay trên các thị trường mới nổi sẽ đáo hạn vào cuối năm 2018. Lãi suất tại Mỹ gia tăng đồng nghĩa với việc đồng USD sẽ mạnh lên, khiến cho các khoản nợ bằng đồng USD cũng trở nên lớn hơn. Điều này có thể dẫn tới nguy cơ các thị trường mới nổi bị hạ mức đánh giá tín nhiệm.

Nếu Ngân hàng trung ương Anh, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng trung ương Canada cũng nối gót Fed bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ, thì dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi bấy lâu nay sẽ bắt đầu thoái lui. Và nếu Trung Quốc cũng thắt chặt chính sách tiền tệ, thì mối nguy kinh tế mà Trung Quốc tạo ra đối với các nước châu Á còn lại sẽ không chỉ liên quan đến chính sách tiền tệ.

Hai mươi năm trước, một trong những mối lo ngại chủ yếu là Trung Quốc sẽ phá giá đồng NDT để cạnh tranh với các nền kinh tế Đông Nam Á sau khi các đồng tiền trong khu vực lao dốc. Giờ đây, Trung Quốc gần như nắm bắt toàn bộ chuỗi cung ứng điện tử - vốn giữ vị trí trung tâm trong sự phát triển bùng nổ của lĩnh vực chế tạo đối với nhiều nền kinh tế châu Á.

Bên cạnh đó, cũng phải đề cập tới tham vọng của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa vào lĩnh vực dịch vụ và tiêu dùng trong nước. Các nền kinh tế trong khu vực cũng sẽ không còn được hưởng lợi từ đà tăng trưởng mạnh mẽ của nước láng giềng Trung Quốc. Không chỉ vậy, không loại trừ khả năng nền kinh tế Trung Quốc có thể trở thành yếu tố lớn nhất làm gián đoạn đà tăng trưởng của các nền kinh tế Đông Nam Á./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục