Trung Quốc sẽ điều chỉnh giảm hoạt động đầu tư ra nước ngoài

08:04' - 27/12/2016
BNEWS Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành cho biết tổng số vốn mà các công ty của Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài trong năm 2016 là 130 tỷ bảng Anh.
Công ty ChemChina đã chi 43 tỷ USD để đầu tư vào hãng bán thuốc trừ sâu và hạt giống lớn của Thụy Sỹ Syngenta. Ảnh: EPA

Tờ The Guardian (Anh) số ra ngày 26/12 dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành cho biết nước này đang có kế hoạch sẽ giảm các hoạt động đầu tư ra nước ngoài sau khi số liệu mới đây cho biết tổng số vốn mà các công ty của Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài trong năm 2016 là 130 tỷ bảng Anh, tăng đáng kể so với con số 86 tỷ bảng năm 2015.

Năm 2016 nhiều công ty Trung Quốc đã đẩy mạnh hoạt động đầu tư ra nước ngoài do thấy kinh tế trong nước tăng trưởng chậm lại.

Tuy nhiên, dòng tiền nước ngoài đổ vào đầu tư tại Trung Quốc cũng trong năm 2016 chỉ đạt mức 92 tỷ bảng, tương đương con số năm 2015.

Theo Bộ trưởng Cao Hổ Thành, do lo ngại dòng tiền của các doanh nghiệp Trung Quốc bị chảy ra nước ngoài nhiều hơn là đổ vào đầu tư thúc đẩy kinh tế trong nước tăng trưởng, Chính phủ Trung Quốc sắp tới sẽ siết lại dòng tiền của doanh nghiệp Trung Quốc đem ra nước ngoài đầu tư và sẽ có chính sách cởi mở hơn để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài vào Trung Quốc làm ăn.

Các nhà đầu tư lớn của Trung Quốc đã đem tiền đi đầu tư trải khắp thế giới trên các lĩnh vực khác nhau trong năm 2016 từ lĩnh vực bất động sản, công nghiệp cho đến các lĩnh vực giải trí.

Năm 2016, dòng đầu tư từ Trung Quốc vào Anh tăng mạnh, các nhà đầu tư Trung Quốc đã tham gia đầu tư tại các thương hiệu lớn tại Anh như Weetabix, Pizza Express và Thames Water.

Các tài sản của các công ty của Anh có sức hấp dẫn lớn đối với giới đầu tư Trung Quốc, như thương vụ mua 30% cổ phần tương đương 6 tỷ bảng trong dự án trị giá 24 tỷ bảng của nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C của China General Nuclear.

Các nhà đầu tư Trung Quốc còn đổ tổng cộng khoảng 300 triệu bảng vào mua lại một số các câu lạc bộ bóng đá Anh tại vùng West Midlands như thương gia Guochan Lai mua lại câu lạc bộ West Bromwich Albion với giá khoảng từ 150-200 triệu bảng Anh hồi đầu năm 2016.

Thương gia Tony Xia đã chi 76 triệu bảng để mua lại câu lạc bộ Aston Villa. Tập đoàn đầu tư Fosun International đã trả 45 triệu bảng để nắm quyền kiểm soát câu lạc bộ bóng đá Wolverhampton Wanderers.

Công ty du lịch Ctrip đã mua lại công cụ tìm kiếm thông tin du lịch Skyscanner với giá 1,4 tỷ bảng.

Các nhà đầu tư Trung Quốc đã nhất trí trả 13,8 tỷ bảng mua lại quyền nắm đa số cổ phần tại hệ thống đường ống dẫn khí đốt của National Grid.

Một thương vụ lớn đã được nhất trí trong năm 2016 nhưng đến đầu năm 2017 mới hoàn tất thủ tục đó là công ty ChemChina đã chi 43 tỷ USD để đầu tư vào hãng bán thuốc trừ sâu và hạt giống lớn của Thụy Sỹ Syngenta, thể hiện mối quan tâm chiến lược về đảm bảo an ninh lương thực của Trung Quốc.

Giới đầu tư Trung Quốc cũng đổ một lượng tiền lớn vào mua các bất động sản đắt tiền tại Mỹ như Insurer Anbang đã chi 5,3 tỷ bảng Anh mua lại khu nghỉ dưỡng và khách sạn cao cấp Strategic Hotels & Resorts của tập đoàn Blackstone.

Các công ty của Trung Quốc cũng chú ý đầu tư vào lĩnh vực giải trí như tập đoàn Wanda đã chi 3,5 tỷ USD để mua lại xưởng studio Legendary nơi sản xuất phim Godzilla và Pacific Rim.

Anhui Xinke New Materials của Trung Quốc đã trả 350 triệu USD để sở hữu Voltage studio, nơi sản xuất các phim được giải Oscar như phim The Hurt Locker và Dallas Buyers’ Club.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục