Trung Quốc - yếu tố chi phối xu hướng biến động giá nông sản năm 2017

13:18' - 25/11/2016
BNEWS Chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ mở kho dự trữ nông sản khổng lồ mà nước này đã thu mua trong khuôn khổ chính sách trợ giá của nhà nước.
Trung Quốc - yếu tố chi phối xu hướng biến động giá nông sản năm 2017. Ảnh: scmp

Theo đánh giá của Rabobank (Hà Lan), ngân hàng chuyên cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, Trung Quốc hiện nắm giữ kho dự trữ khổng lồ các mặt hàng nông sản, vì vậy cách thức chính phủ nước này xử lý số nông sản đó sẽ là một trong những yếu tố chủ chốt chi phối chiều hướng biến động về giá trên các thị trường nông sản thế giới trong năm 2017.
Chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ mở kho dự trữ nông sản khổng lồ mà nước này đã thu mua trong khuôn khổ chính sách trợ giá của nhà nước.

Stefan Vogel, người phụ trách mảng thị trường nông sản của Rabobank, cho rằng mở kho dự trữ nông sản khổng lồ để bán ra thị trường sẽ là một quyết định có thể gây tác động lớn tới thị trường nông sản toàn cầu, đặc biệt là đối với các mặt hàng như bông, đường, đồng thời nhiều khả năng cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các thị trường ngô, đậu tương và dầu thực vật trong năm 2017.
Nông sản, đặc biệt là nhóm các “hàng hóa mềm” như đường, cà phê và bông, nằm trong số những hàng hóa nguyên liệu có mức tăng giá ấn tượng trong năm nay.

Chỉ số “hàng hóa mềm” của Bloomberg đã tăng 21%, so với mức tăng 24% của các kim loại công nghiệp và 1,5% của nhóm hàng năng lượng. Trong khi đó, giá ngũ cốc giảm khoảng 3% trên thị trường thế giới.
Đồng thời, Rabobank cũng tỏ ra quan ngại về triển vọng thị trường nông sản, sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua. Việc ông Trump hủy các thỏa thuận thương mại như ông đã tuyên bố có thể gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa của Mỹ.
Các giao dịch đầu cơ trên thị trường nông sản là một yếu tố dẫn tới sự biến động trên các thị trường này trong năm 2016. Rabobank dự báo rằng xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong năm 2017. Trong bối cảnh lãi suất được dự báo sẽ tăng chậm, các mặt hàng nông sản được kỳ vọng sẽ là thỏi nam châm thu hút các quỹ đầu tư và giới đầu cơ.
Bên cạnh đó, sự lên xuống của thị trường tiền tệ cũng là yếu tố tác động tới giá hàng hóa nông sản trong 12 tháng tới. Theo Rabobank, đồng euro nhiều khả năng sẽ rớt giá khi một loạt cuộc bầu cử sẽ diễn ra tại Pháp, Hà Lan và Đức trong năm tới.

Những biến động trên các thị trường tiền tệ đã ảnh hưởng không nhỏ tới giá nông sản trong năm nay.

Cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên Liên minh châu Âu của Anh hôm 23/6 vừa qua đã khiến cho đồng bảng rớt giá mạnh, khiến chi phí nhập khẩu thực phẩm tăng, song đồng thời cũng góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông sản.

Ngược lại, đồng real của Brazil mạnh lên là yếu tố làm giá cà phê và đường tăng, do Brazil là nước sản xuất cà phê và đường hàng đầu thế giới.

Xét riêng từng mặt hàng nông sản, giá cà phê - hiện giao dịch ở mức khoảng 1,62 USD/pound (1 pound = 0,454 kg) - được dự báo sẽ giảm đáng kể, vào thời điểm triển vọng cà phê arabica khá ảm đạm.

Giá đậu tương - hiện dao động trên 10 USD/bushel (1 bushel đậu tương = 27,20 kg) - sẽ vẫn mạnh, trong khi giá bơ sữa được kỳ vọng sẽ tăng lên trong năm 2017. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục