Tuyệt đối không cho bất cứ ai chiếm dụng hành lang bảo vệ sông Sài Gòn

17:51' - 30/10/2017
BNEWS Ngày 30/10, Chánh Văn phòng UBND Tp. Hồ Chí Minh trả lời báo chí về quan điểm xử lý nếu xảy ra các trường hợp lấn sông Sài Gòn.

Ngày 30/10, Chánh Văn phòng UBND Tp. Hồ Chí Minh trả lời báo chí về quan điểm xử lý nếu xảy ra các trường hợp lấn sông Sài Gòn, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND Tp. Hồ Chí Minh khẳng định: Nhận thức được vai trò đặc biệt của dòng sông Sài Gòn đối với sự hình thành và phát triển của thành phố trên tất cả phương diện, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành các quyết định để bảo vệ hành lang sông, kênh rạch, mương trên địa bàn; trong đó, đặc biệt là sông Sài Gòn, tuyệt đối không cho bất cứ ai chiếm dụng hành lang bảo vệ sông.

Hiện nay, thành phố cũng đang khẩn trương thực hiện quy hoạch ngành để phát triển hạ tầng ven sông, vừa phát triển giao thông đường thuỷ, kinh tế cảng biển cũng như gìn giữ đặc trưng văn hoá, du lịch của thành phố.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp. Hồ Chí Minh cho hay, lãnh đạo thành phố luôn quán triệt việc bảo vệ, quản lý chặt chẽ các bờ sông lớn, trong đó có bờ sông Sài Gòn.

Các bờ sông có cảnh đẹp sẽ được lưu ý để tổ chức lập, quản lý và thực hiện quy hoạch, đảm bảo cảnh quan tự nhiên, môi trường sinh thái, tránh tình trạng lấn chiếm.

Liên quan đến vấn đề khai thác cát trên địa bàn, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, việc quản lý tài nguyên vốn không có biên giới, tất cả các tỉnh thành đều có thể dùng tài nguyên, trong đó có tài nguyên cát để phục vụ vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Từ năm 2013, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã ban hành quy hoạch khai thác cát, từ đó đến nay không cấp phép thêm việc khai thác cát trên địa bàn.

Đối với tình trạng khai thác cát lậu, ông Nguyễn Toàn Thắng thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2017, trên điểm nóng huyện Cần Giờ, địa bàn giáp ranh với tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, lực lượng chức năng của thành phố đã xử lý 32 vụ khai thác cát trái phép.

Đây cũng là vùng biển tiếp giáp để tàu thuyền chở cát về các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ, do đó xuất hiện một số trường hợp ghe tàu cố tình thả ông hút cát trộm.

Về việc dư luận băn khoăn có hay không sự bảo kê của lực lượng chức năng đối với nạn “cát tặc” đang hoành hành, ông Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, hiện nay lực lượng chức năng của thành phố chưa phát hiện, nếu có thì sẽ kiên quyết xử lý, không những bảo vệ tài nguyên cho thành phố mà còn cho cả thế hệ tương lai về sau.

Trong khi đó, theo ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND Tp. Hồ Chí Minh, nếu khai thác cát không có kế hoạch, không đúng với quy hoạch thì dễ ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố, nhất là trong bối cảnh mỗi năm thành phố bị lún và xảy ra nhiều vụ sạt lún bờ sông, kênh rạch.

Nhận thức được vai trò quan trọng của tài nguyên cát, từ năm 2010, UBND thành phố có chủ trương hạn chế tiến tới chấm dứt khai thác cát không theo kế hoạch, quy hoạch.

Tuy nhiên đối với các dự án trọng điểm vì mục tiêu phát triển kinh tế xã hội chung thì thành phố chủ trương cho phép khai thác nhưng vẫn phải nằm trong kế hoạch và theo chương trình cụ thể.

“Hiện nay nguồn cát đang rất khan hiếm, thị trường cát có nhiều biến động nên một số cá nhân, tổ chức đã tận dụng các vị trí giáp ranh địa bàn để khai thác cát trái phép với thái độ ngang nhiên, bất chấp.

Vì thế lãnh đạo UBND thành phố đề nghị các lực lượng chức năng trong đó có Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ đội Biên phòng thành phố quyết liệt vào cuộc; khẩn trương ra quân, tăng cường kiểm tra, lập chốt kiểm tra 24/24 giờ, đồng thời phối hợp với các địa bàn lân cận để xử lý”, ông Võ Văn Hoan khẳng định./.

Xem thêm:

>>>Thông xe cầu kết nối giữa Nguyễn Tri Phương với Đại lộ Võ Văn Kiệt

>>>Tai nạn liên hoàn gây ùn tắc nghiêm trọng trong hầm vượt sông Sài Gòn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục