Vấn đề hạt nhân Iran: Giới chuyên gia dự báo những tác động tới giá dầu thế giới

10:47' - 09/05/2018
BNEWS Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa nền kinh tế Mỹ cũng như tác động tới giá dầu thế giới
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, tuyên bố quyết định rút Mỹ khỏi JCPOA, ngày 8/5. THX/ TTXVN

Trang mạng Bloomberg dẫn nghiên cứu công bố ngày 8/5 của ông Gregory Daco, chuyên gia kinh tế Mỹ tại công ty phân tích thị trường Oxford Economics, đánh giá động thái mới nhất của Washington có thể làm giảm sản lượng dầu của Iran, nước sản xuất dầu thô lớn thứ 5 trên thế giới và kéo theo đó là nguy cơ giá dầu leo thang.

Chuyên gia này cảnh báo nếu giá trung bình trong năm 2018 của dầu thô ngọt nhẹ (WTI) ở mức cao 70 USD/thùng, đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ có thể thụt lùi 0,35%. Giá dầu tăng cao cũng sẽ ảnh hưởng tới chi tiêu của người tiêu dùng tại Mỹ.

Ngược lại, các hãng và vùng sản xuất năng lượng của Mỹ sẽ được lợi từ giá dầu tăng.

Trước đó, trong ngày 7/5, giá dầu thô ngọt nhẹ đã lần đầu tiên kể từ năm 2014 chạm mốc 70 USD/thùng, xuất phát từ tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư.

Nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng cùng chung quan điểm với ông Daco. Nhà phân tích Ellen Zentner của Morgan Stanley cho rằng giá dầu tăng sẽ tác động tới chi tiêu của người dân Mỹ.

Nếu giá dầu không hạ xuống dưới mức 70 USD/thùng hiện nay, những kết quả tăng trưởng tích cực có được từ chính sách giảm thuế của chính quyền Tổng thống Trump thời gian qua sẽ bị "hao hụt" mất 30%.

Trước đó, rạng sáng 9/5 (giờ Việt Nam), Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân nước này ký kết với Iran và các cường quốc gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức hồi năm 2015, đồng thời khẳng định sẽ bắt đầu khôi phục các biện pháp trừng phạt chính quyền Tehran.

Hiện sản lượng khai thác dầu của Iran đứng ở mức khoảng 3,8 triệu thùng/ngày, chiếm 4% nguồn cung của thế giới.

Trong đó, Iran xuất khẩu khoảng 2,5 triệu thùng dầu/ngày. Hãng tin Bloomberg dẫn lời các chuyên gia cho rằng động thái của Mỹ có thể khiến sản lượng dầu thô của Tehran giảm tối đa 800.000 thùng dầu/ngày.

Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều quốc gia châu Á cũng như châu Âu là các khách hàng chủ chốt của Iran. Xuất khẩu dầu của nước CH Hồi giáo được cho là sẽ không giảm ngay lập tức, do các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đưa ra sẽ mất 180 ngày mới có hiệu lực.

Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu dầu châu Âu và châu Á có thể sẽ sớm phải đối mặt với sự lựa chọn đầy khó khăn là làm ăn với Mỹ hay Iran.

Các khách hàng Trung Quốc nhận định họ không khó để tìm được “phương án thay thế” Iran từ Nga, Mỹ và các nước khác thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng hiện chưa thể khẳng định trữ lượng của các nước này có đủ để bù vào phần thiếu hụt từ Iran hay không./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục