Vẫn “rỗng” trong khâu chế biến, tiêu thụ thịt lợn

14:53' - 20/10/2017
BNEWS Mỗi năm sản xuất hơn 4 triệu tấn thịt lợn hơi, lớn hơn cả giá trị lúa gạo nhưng chỉ xuất khẩu được hơn 20.000 tấn lợn sữa.
Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu thịt lợn Việt Nam. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN
Tại diễn đàn “Xúc tiến xuất khẩu thịt lợn Việt Nam” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 20/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ: “Lợn là ngành hàng tăng trưởng nhanh nhất nhưng lại đầy rủi ro, đặc biệt về mặt thị trường. Cá tra Việt Nam hiện nay rất tự hào vì từ sản xuất, chế biến, tổ chức thị trường đều đã được làm khá tốt. Riêng con lợn chỉ làm tốt được khâu sản xuất. Khâu chế biến, tổ chức thị trường tiêu thụ hoàn toàn bị rỗng”.

Theo Bộ trưởng, kết cấu con lợn chính vẫn là mổ thủ công, bán chợ. Mỗi năm sản xuất hơn 4 triệu tấn thịt lợn hơi, lớn hơn cả giá trị lúa gạo nhưng chỉ xuất khẩu được hơn 20.000 tấn lợn sữa.

Theo Cục Thú y, Việt Nam hiện mới chỉ có 8 cơ sở xuất khẩu sản phẩm thịt lợn đông lạnh sang một số thị trường (6 cơ sở giết mổ lợn sữa, lợn choai xuất khẩu sang Hồng Kông (Trung Quốc); 2 cơ sở giết mổ lợn sữa xuất khẩu sang Malaysia, khoảng 20.000 tấn/năm). Các cơ sở này đều có công suất nhỏ và mới đáp ứng các yêu cầu của Hồng Kông và Malaysia.

Sản phẩm chế biến từ thịt lợn (ruốc thịt, giò chả) được xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ, Australia, Hồng Kông, Ma Cao. Các lô hàng thịt lợn xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường này luôn bảo đảm yêu cầu về an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm.

Hiện nay, Cục Thú y đang hỗ trợ một số công ty như: Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Biển Đông, Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO, Công ty cổ phần Thực phẩm CJ Cầu Tre hoàn thành các đề án để sớm đàm phán xuất khẩu thịt lợn, thịt gà và các sản phẩm thịt chế biến sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga.

Chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình đàm phán, xây dựng chuỗi xuất khẩu thịt gà chế biến sang Nhật Bản, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, để đẩy nhanh tiến độ đàm phán, Cục Thú y đã báo cáo Bộ cho phép thành lập đoàn công tác sang Nhật Bản. Đoàn công tác sẽ trực tiếp làm việc với các cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản, nhằm thống nhất các yêu cầu vệ sinh an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thịt gà chế biến xuất khẩu từ Việt Nam sang Nhật Bản.

Qua rất nhiều lần trao đổi, đám phán, cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan, Cục Thú y Nhật Bản mới có thư chính thức thông báo đồng ý với mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu thịt gà chế biến của Việt Nam. Đồng thời đồng ý cử đoàn thanh tra sang Việt Nam để kiểm tra điều kiện thực tế nhà máy chế biến của Công ty TNHH Koyu & Unitek và các hồ sơ sản xuất thịt gà theo chuỗi khép kín bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Tính đến ngày 20/10/2017, Công ty TNHH Koyu & Unitek đã xuất khẩu được 3 lô hàng (37 tấn) thịt gà chế biến sang Nhật Bản. Hiện nay, do số lượng đơn hàng nhiều, Công ty TNHH Koyu & Unitek đang có nhu cầu mở rộng sản xuất, như lắp đặt thêm dây chuyền chế biến thịt gà xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu ngày càng nhiều của đối tác Nhật Bản và các nước khác.

Các doanh nghiệp ký kết Thoả thuận thực hiện liên kết chuỗi sản xuất thịt lợn sạch, an toàn hướng đến xuất khẩu. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN
Với mong muốn sớm được tham gia vào lĩnh vực xuất khẩu thịt lợn, ông Vũ Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Biển Đông cho biết, công ty đã đầu tư 2 cơ sở chăn nuôi lợn an toàn tại Nam Định với quy mô 1.500 con nái; lợn thịt xuất chuồng 10.000 con/lứa. Đồng thời, Công ty đã liên kết với Trung tâm giống vật nuôi chất lượng cao của Học viện Nông nghiệp Việt Nam để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật giống lợn và quy trình chăn nuôi vào sản xuất.

Để đảm bảo quy trình, công nghệ chế biến thực phẩm hội nhập vào thị trường Nhật Bản cũng như thị trường quốc tế, Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Biển Đông đã ký biên bản ghi nhớ với Trường Đại học Minami Kyushu Nhật Bản về việc thỏa thuận hợp tác phát triển nông nghiệp, chuyển giao kỹ thuật chế biến thực phẩm.

Nhằm đón đầu cơ hội xuất khẩu thịt lợn vào thị trường Hàn Quốc, công ty cũng đã ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty thực phẩm Hàn Quốc sẽ tiêu thụ 2.000 tấn thịt lợn/năm. Ngoài ra, công ty nhận được sự giúp đỡ trong việc kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm của Cục Thú y; sự kết nối, hợp tác trong chuỗi chăn nuôi, giết mổ, chế biến của Tập đoàn De Heus, Tập đoàn Hùng Nhơn ....

Ông Vũ Trọng Nghĩa mong muốn, các cơ quản quản lý nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp mở thị trường cấp nhà nước cho sản phẩm thịt lợn của Việt Nam. Thống nhất và tập hợp thông tin quy định quản lý kỹ thuật, thương mại với các cơ quan quản lý phía các thị trường; đồng thời tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định tới cộng đồng doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu.

Đặc biệt, xây dựng bộ phận hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu về kỹ thuật và các thủ tục hành chính, xuất nhập khẩu (bài học Tổ công tác Cục Thú y hỗ trợ xuất khẩu thịt gà thời gian qua).

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao nỗ lực của các doanh nghiệp để Việt Nam xuất khẩu được thịt gà sang Nhật Bản. Hi vọng sẽ sớm xuất khẩu thịt lợn sang thị trường này cũng như các thị trường khác. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhận định, sản phẩm thịt lợn sẽ khó hơn vì con lợn dễ bị bệnh lở mồm long móng. Đây lại là loại bệnh thuộc đối tượng kiểm dịch của các nước rất nghiêm ngặt.

“Thị trường có, điều kiện chúng ta có thể làm được, vấn đề là hành động tổ chức quyết liệt. Cấp Chính phủ, cụ thể là Bộ vào cuộc cùng Bộ Công Thương mở rộng thị trường, chỉ đạo sản xuất an toàn dịch bệnh cùng với các thủ tục, quy trình chuyên môn xuất khẩu. Những việc gì thuộc Chính phủ là phải đồng bộ, quyết liệt”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Bộ trưởng yêu cầu phải tổ chức lại ngành hàng này theo mô hình liên kết chuỗi theo 3 cấp độ: quy mô sản xuất lớn của doanh nghiệp phải tập trung cao để xuất khẩu thịt lợn; quy mô vừa và nhỏ sản xuất cung cấp cho thị trường trong nước; phát triển con lợn đặc sản gắn với truyền thống chăn nuôi hữu cơ cho thị trường nội địa và du lịch.

Tại diễn đàn, Câu lạc bộ Nông nghiệp Công nghệ cao, Tập đoàn De Heus, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Biển Đông và Công ty máy móc Daewon Hàn Quốc đã cùng ký kết Thoả thuận thực hiện liên kết chuỗi sản xuất thịt lợn sạch, an toàn hướng đến xuất khẩu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục