Hướng đi nào cho ngành chăn nuôi thời gian tới?

18:48' - 29/08/2017
BNEWS Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, thời gian tới cần phải cơ cấu lại ngành chăn nuôi lợn theo 2 hướng: công nghiệp và chăn nuôi hữu cơ theo hướng lợn đặc sản.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (giữa) chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả triển khai các biện pháp ổn định thị trường và phát triển chăn nuôi lợn. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Ngày 29/8, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai các biện pháp ổn định thị trường và phát triển chăn nuôi lợn.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, thời gian tới cần phải cơ cấu lại ngành chăn nuôi nuôi lợn theo 2 hướng: công nghiệp và chăn nuôi hữu cơ theo hướng lợn đặc sản.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian tới sẽ thúc đẩy nhanh hướng chăn nuôi hữu cơ, tập trung vào các giống lợn đặc sản.

Bên cạnh đó, đối với lĩnh vực thức ăn chăn nuôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang sản xuất thức ăn chăn nuôi hữu cơ.

Đặc biệt, phải tổ chức lại sản xuất từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đến doanh nghiệp đều phải thực hiện chăn nuôi theo chuỗi liên kết. Bởi đây chính là hình thức phát triển bền vững.

Ngoài ra, phải thay đổi công tác quản lý nhà nước, từ tiêu chuẩn, quy chuẩn, kiểm soát thị trường...

Đánh giá về ngành chăn nuôi lợn thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, mặc dù con giống hiện đã được cải thiện ngang bằng với các nước phát triển trong khu vực; thức ăn chăn nuôi đứng thứ nhất trong khu vực với sản lượng 31 triệu tấn/năm; công nghệ, quy trình luôn được nâng cao nhưng ngành chăn nuôi mới chỉ làm tốt khâu thúc đẩy sản xuất.

Trong khi đó, khâu chế biến và thị trường vẫn còn yếu, đây là 2 khâu rất quan trọng. Dẫn chứng là thời gian qua đã xảy ra câu chuyện khủng hoảng thừa thịt lợn, dẫn đến giá thịt lợn giảm sâu, người chăn nuôi thua lỗ... nguyên nhân chính là mất cân đối cung cầu thị trường, tổ chức sản xuất ngành hàng chưa tốt.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, muốn đẩy mạnh chăn nuôi cần phải đánh giá lại thị trường tiêu thụ, chủ yếu là thị trường trong nước, còn xuất khẩu chỉ một phần.

Do đó, thời gian tới cần tập trung điều chỉnh nguồn cung, cải tạo đàn nái, giảm giá thành và nâng cao giá trị, đa dạng hoá sản phẩm chăn nuôi.

Đặc biệt, phải xác định chuỗi liên kết. Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị các địa phương tập trung xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, bởi hiện đã có chính sách hỗ trợ.

Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Minh Anh - Đào Quang Minh kiến nghị, cơ quan quản lý Nhà nước cần siết chặt, quản lý các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, đồng thời, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết.

Hướng tới, xây dựng Hiệp hội sản xuất thịt lợn an toàn, bởi đây là tổ chức sẽ kiểm soát và đảm bảo quyền lợi cho người chăn nuôi.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, trong 3 tháng qua đã loại thải được gần 500.000 con lợn nái, tương đương khoảng 10,28%, đây là con số rất lớn không chỉ có ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung con giống trước mắt mà còn có ảnh hưởng lâu dài đến những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, các địa phương đã mở các điểm bán hàng thịt lợn bình ổn giá, bằng cách mua lợn hơi giá cao cho người chăn nuôi và tổ chức giết mổ bán thịt lợn giá thấp đến tay người tiêu dùng.

Các hệ thống siêu thị như BigC, Hapro, Saigon Coop, Metro... tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã giảm giá bán thịt lợn từ 15 - 30% trong hệ thống siêu thị.

Hầu hết các cơ sở giết mổ, chế biến thực phẩm đã tăng công suất giết mổ và cấp đông mặt hàng thịt lợn góp phần tăng sức mua đối với mặt hàng này; trong đó có những cơ sở giết mổ công nghiệp sau nhiều năm đóng cửa lại được khôi phục hoạt động trở lại. Điển hình cho hoạt động này có: Dabaco, Thái Dương, Anh Dũng, Vinh Anh, Minh Hiền, Vissan.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục