Vận tải hàng không: Cuộc chiến thị trường ngách

19:06' - 28/12/2015
BNEWS Một số chuyên gia hàng không đánh giá, các hãng hàng không Việt Nam sẽ chuyển dần sang cạnh tranh tại thị trường “ngách” thay vì tập trung vào các trục bay chính như hiện nay.

Nắm bắt nhu cầu đi lại của người dân tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, ngay từ những ngày đầu tháng 12/2015, các hãng hàng không Việt Nam đã tung ra các chiêu khuyến mại khác nhau nhằm thu hút khách hàng.

Nếu như Vietnam Airlines (VNA) triển khai chương trình mua vé ưu đãi cho các chặng bay nội địa với mức giá vé một chiều giảm hơn 50%, hay Jetstar Pacific Airlines (JPA) có chương trình “Mua vé chiều đi, miễn phí chiều về", thì VietJetAir (VJA) lại đưa ra chương trình khuyến mại lớn với 1.500.000 vé “lộc phát” cùng hàng nghìn quà tặng giá trị cho khách hàng mua vé máy bay của hãng.

Vietnam Airlines đã tung ra chương trình khuyến mãi đặc biệt cho các chặng bay nội địa nhân dịp đầu năm mới 2016. Ảnh:TTXVN
Miếng bánh thị phần

Theo số liệu thống kê của Phòng Vận tải hàng không (Cục Hàng không Việt Nam), 11 tháng qua, các hãng hàng không trong nước vận chuyển được 36,73 triệu lượt hành khách, tăng trưởng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, VNA chiếm thị phần lớn nhất với 47,3% tổng lượng khách nội địa, chuyên chở hơn 16 triệu lượt hành khách, tăng 9,8% cùng hệ số sử dụng ghế trung bình đạt 83,8%, không đổi so với 11 tháng năm 2014.

JPA (VNA nắm 70% cổ phần) chiếm thị phần 14,8% trên tổng lượng khách nội địa, vận chuyển khoảng 3,5 triệu khách, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Kết thúc tháng 11/2015, hệ số sử dụng ghế trung bình của hãng giảm 3,2 điểm %, nhưng vẫn đạt mức 84,9%.

Jestar đang nỗ lực tái cơ cấu để dành lại thị trường hàng không giá rẻ tại Việt Nam. Ảnh:TTXVN

VASCO (công ty thành viên trực thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam) cũng có một quãng thời gian tăng trưởng ấn tượng với lượng khách chuyên chở đạt 358 nghìn khách, tăng 44,5%. Tuy nhiên, hệ số sử dụng ghế trung bình của VASCO chỉ đạt 77%, giảm 3 điểm % so với cùng kỳ năm 2014.

Tăng trưởng nhanh nhất của 11 tháng qua tiếp tục thuộc về hãng hàng không tư nhân VJA với mức tăng 65,8%; số lượng hành khách vận chuyển đạt 8,27 triệu khách, chiếm thị phần 36,2% tổng mức thị trường. Đồng thời, hệ số sử dụng ghế trung bình của hãng đạt 87,5%, cao nhất trong số các hãng hàng không nội địa.

Giá rẻ và chất lượng

Vài năm trở lại đây, mặt bằng giá vé máy bay trên các chặng bay nội địa đã có sự sụt giảm đáng kể. Việc mua được một tấm vé máy bay với mức giá như vé tàu hỏa không còn là điều xa lạ với những người dân Việt Nam.

Theo đại diện của VNA, giá vé của hãng hiện chỉ bằng 70-80% mức giá trần do Cục hàng không Việt Nam quy định. Về phía VJA, mức giá trung bình của hãng hầu hết đều duy trì ở mức thấp nhất thị trường. Chưa kể hãng này còn cung cấp hơn 1,2 triệu vé khuyến mại 0 đồng áp dụng từ 12h-14h hàng ngày trong suốt năm vừa qua.

Tuy nhiên, giá cả thấp không đồng nghĩa với chất lượng kém. Các hãng hàng không Việt Nam không chỉ cạnh tranh về giá, còn tập trung đầu tư và nâng cấp chất lượng dịch vụ của mình nhằm thu hút khách hàng nhiều hơn.

Vietnam Airlines đang nỗ lực cải tiến chất lượng phục vụ trên mỗi chuyến bay, vươn tới tiêu chuẩn là hãng hàng không đạt chuẩn 4 sao. Nguồn: Vietnam Airlines.

VNA đã bổ sung 2 chiếc máy bay thế hệ mới, hiện đại nhất thế giới là Airbus 350 và Boing 787-9 và gần chục chiếc máy bay A321 và B787 khác. Đồng thời, hãng cũng tiến hành triển khai các hoạt động cải thiện chất lượng dịch vụ đạt mức đánh giá tiêu chuẩn 4 sao của ngành hàng không thế giới trong năm nay.

Được sự hậu thuẫn của VNA sau tiến trình tái cơ cấu, JPA đã lên kế hoạch nâng cấp đội tàu bay của mình, nhận thêm hai máy bay hiện đại Airbus A320, nâng tổng số tàu bay lên 11 chiếc. Theo thông báo mới nhất của hãng, từ nay tới trước Tết Bính Thân 2016, JPA sẽ tiếp tục đón 3 tàu bay Airbus 320 mới để đưa vào khai thác.

Bên cạnh đó, hãng này cũng đã tiến hàng nâng cấp chất lượng phục vụ hành khách, hướng giá trị tới sự hài lòng của khách hàng với slogan mới “Giá rẻ hàng ngày - Hài lòng khi bay”...

Tỏ ra không hề kém cạnh “ông lớn” VNA và JPA, từ đầu năm đến nay đội tàu bay của VJA đã tăng từ 20 chiếc lên 30 chiếc. Hơn nữa, Hãng này cho biết đã ký hợp đồng mua thêm 30 tàu bay mới, sau thương vụ gây ồn ào vào năm ngoái khi đặt mua và thuê tổng cộng 100 chiếc máy bay từ nhà sản xuất máy bay danh tiếng Airbus.

VietJet Air áp dụng chương trình khuyến mại mới trị giá 2 tỷ đồng. Ảnh: VietJet Air

Cũng trong năm nay, VJA đã triển khai dịch vụ cao cấp Skyboss nhằm vào những hành khách có thu nhập cao hơn, đa dạng hóa các sản phẩm của VJA cung cấp cho thị trường, bên cạnh các sản phẩm dịch vụ vốn có.

Cuộc chiến thị trường ngách

Năm 2015 đánh dấu một năm thành công của các hãng hàng không Việt Nam. Sau những cạnh tranh trực tiếp trên những trục bay chính Hà Nội – Đà Nẵng – Sài Gòn, một số chuyên gia hàng không đánh giá, xu hướng cạnh tranh sẽ chuyển dần sang thị trường “ngách” (phân khúc thị trường bậc thấp với các tuyến bay ngắn).

Điều này được thể hiện rõ nét trong chiến lược mở rộng thị trường của VJA, thông qua việc liên tiếp mở các tuyến bay mới như: Hà Nội – Chu Lai, Hải Phòng – Cam Ranh hay Vinh – Buôn Ma Thuột… Với số lượng lớn tàu bay mà hãng này đã đặt mua, VJA không thể bỏ qua phân khúc hiện đang còn trống và đầy tiềm năng của thị trường nội địa.

Trong năm 2016, VNA sẽ tiếp tục chuyển dần các đường bay nội địa với trục bay ngắn cho JPA khai thác và chỉ tập trung vào các trục bay chính. Đây là một phần của chiến lược phát triển thương hiệu kép VNA – JPA.

Vietnam Airlines và Jetstar sẽ cũng hợp tác phát triển thương hiệu kép trong năm 2016. Ảnh: TTXVN

VNA cũng sẽ tiến hành chuyển giao số tàu bay mang nhãn hiệu ATR 72 cho VASCO khai thác, nhắm vào mục tiêu tái cơ cấu, phân khúc thị trường, hoàn thiện mạng bay, tiến tới đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ tại cả ba công ty dịch vụ bay VNA, JPA và VASCO.

Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam là một trong bảy thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới giai đoạn từ năm 2014 đến 2017.

“Ngành hàng không đã đóng góp 6 tỷ USD cho GDP Việt Nam và tạo ra hơn 230.000 việc làm cho người dân. Trong giai đoạn 2008-2013, lượng khách đi lại bằng đường hàng không của Việt Nam đã tăng thêm 96%” - Tổng giám đốc IATA Tony Tyler phân tích.

Tại thị trường nội địa, Cục hàng không Việt Nam dự báo, tốc độ tăng trưởng hàng không sẽ tiếp tục duy trì ở mức hai con số, báo hiệu cuộc chiến dành thị phần của các hãng hàng không sẽ ngày càng trở nên gay gắt hơn trong những năm tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục