Vẻ đẹp của cây cổ thụ trong di tích Cố đô Huế

06:41' - 13/09/2016
BNEWS Hoa và cây xanh trong Đại Nội Huế làm cho di sản Huế hấp dẫn hơn, nhiều cây cổ thụ trong quần thể di tích Cố đô Huế thu hút rất nhiều khách du lịch.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế khẳng định, cây xanh trong địa bàn khu di sản Huế là một phần quan trọng làm nên giá trị độc đáo, đặc sắc của di sản văn hóa Huế nói riêng và của tỉnh Thừa Thiên-Huế nói chung.

Chính vì vậy, vấn đề nghiên cứu, phục hồi cảnh quan môi trường khu di sản là 1 trong 3 nội dung trọng tâm của các dự án chiến lược về bảo tồn di sản văn hóa Huế (bảo tồn văn hóa vật thể, bảo tồn văn hóa phi vật thể, và bảo tồn cảnh quan môi trường khu di sản) từ trước đến nay.

Hoa và cây xanh trong Đại Nội Huế làm cho di sản Huế hấp dẫn hơn đối với du khách. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN

Hiện Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đang thực hiên đề tài "Điều tra, đánh giá thực trạng và nghiên cứu giải pháp bảo tồn hệ thống cây cổ thụ ở quần thể di tích Cố đô Huế". Trên cơ sở này, Trung tâm từng bước thống kê, đánh giá tình trạng sức khỏe, phân loại đối tượng cây, và số hóa định vị trên bản đồ, để vừa nghiên cứu giá trị lịch sử và xây dựng các giải pháp bảo tồn thích đáng.

Đến cung Diên Thọ, ấn tượng nhất với du khách là cây tùng La Hán. Cây được xếp vào hàng cổ nhất Việt Nam với tuổi thọ trên 100 năm. Khác với loại tùng của miền Bắc, cây tùng này có lá nhỏ hơn và rất khó trồng.

Tùng La Hán tượng trưng cho sự trường thọ, mặc dù sống lâu năm nhưng bộ lá của cây thì mãi mãi xanh nên còn có tên là Vạn Niên Thanh. Đây cũng là lý do mà cây được trồng ở nơi sống và sinh hoạt của Thái Hoàng Thái Hậu - cung Diên Thọ và còn có tên gọi là cây Phật Bà.

Du khách khi đi thăm Đại Nội sẽ nhìn thấy hai cây tếch cổ thụ nằm ở sân phía Tây Điện Thái Hòa. Loại cây này có hoa màu hồng nhạt, nở hai lần trong năm vào đầu hè và đầu đông.

Tếch là loại cây có giá trị và có khả năng chịu đựng thời tiết khắc nghiệt của Huế. Bằng chứng là trải qua nhiều đợt mưa bão lớn, hai cây tếch này vẫn không hề bị ảnh hưởng mà ngày càng trở nên to lớn như thể hai chú lính gác khổng lồ cho di tích mặc cho bao năm tháng qua đi.

Phía sau điện Thái Hoà, khách du lịch luôn ngỡ ngàng với vẻ đẹp của hai ngô đồng. Theo sử liệu, vua Minh Mạng là người đầu tiên đưa ngô đồng từ Quảng Đông về trồng sau điện Thái Hòa và trước điện Cần Chánh. Vẻ đẹp tuyệt vời nhất của ngô đồng là lúc chiếc lá cuối cùng trút xuống.

Khi ấy, cả cây ngô đồng phủ đầy hoa tím phớt hồng lung linh rực rỡ như đàn chim phượng hoàng đang chen vai ca hót. Màu sắc càng trở nên lộng lẫy trên nền mái ngói rêu phong u nhã của cung điện Huế, nhất là trong những buổi bình minh khi ánh nắng xuân rực rỡ ghé thăm.

Hoa và cây xanh trong Đại Nội Huế làm cho di sản Huế hấp dẫn hơn đối với du khách Ảnh: Quốc Việt/TTXVN

Có lẽ vì quá yêu quý loài hoa ngô đồng nên vua Minh Mạng mới cho chạm hình ảnh ngô đồng vào chiếc đỉnh mang thụy hiệu của ông là Nhân đỉnh (một trong Cửu đỉnh còn lại hiện nay ở Thế Miếu, Đại Nội Huế).

Đến nay, ở nhiều khu di tích vẫn còn lưu giữ nhiều cây trồng cổ thụ đặc trưng, thể hiện tính cách của từng vị vua, hay đánh dấu một điểm mốc lịch sử, một mối quan hệ bang giao. Cũng hấp dẫn được nhiều sự quan tâm của du khách là cây thông già có thế đứng mềm mại ở Thế Miếu.

Cây thông già ấy nghe kể được trồng từ thời vua Minh Mạng, vẫn lặng lẽ đi qua tháng ngày trên giàn đỡ bằng kim loại.

Trước cây, nhiều du khách dừng chân chụp hình kỷ niệm, nhiều người khác tò mò đoán tuổi của cây làm sinh động thêm tour du lịch tham quan di sản.

Đó chính là những "nhân chứng" trong mỗi câu chuyện liên quan đến triều đại này mà ngày ngày đang được các hướng dẫn viên du lịch giới thiệu với du khách.

Tuy vậy, thực trang cây xanh trong khu di sản là một vấn đề rất phức tạp, bởi hiện có tới 80% cây xanh trong địa bàn khu di sản là cây tạp, cây mọc tự nhiên, cây trồng mới sau năm 1945. Chỉ có khoảng 20% là cây được trồng nguyên thủy, trồng theo quy hoạch (theo kết quả điều tra của Trường Đại học Nông lâm Huế).

Do đó việc nghiên cứu, điều chỉnh (bao gồm sắp xếp, trồng mới, bố trí lại…) cho hệ thống cây xanh trong địa bàn khu di sản là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, cần phải có chiến lược để nghiên cứu, bổ sung những giống cây chiến lược, cây cảnh quý để phục vụ việc tôn tạo, phục hồi cảnh quan mà đặc biệt là các khu vườn Thượng uyển, vườn Ngự sau này.

Hiện Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế xây dựng một vườn ươm cây khá lớn với nhiều chủng loại để trồng và thay thế dần các loại cây già cỗi, hư hỏng trong di tích. Đồng thời sưu tầm, ươm trồng được 1.500 cây mai vàng và mai hồ điệp để trang trí các điểm di tích trong các dịp lễ, Tết.

Trong đó có 600 cây mai trên 15 năm tuổi và 900 cây 3-4 năm tuổi. Đặc biệt, trong vườn mai có một cây mai vàng trên 100 năm tuổi vô cùng quý giá, cây mai cổ này có xuất xứ ở chùa Thạch Bình (ngôi chùa có sắc phong của vua Minh Mạng), thôn Thạch Bình, thị trấn Sịa, Quảng Điền được đem về trồng ở vườn từ năm 2004 đến nay.

Ông Phan Thanh Hải cho biết: Nhiều năm trở lại đây, hệ thống cây xanh, nhất là cây cổ thụ, cũng được đầu tư chăm sóc nhiều. Trung tâm luôn xác định, quần thể di tích Huế nổi tiếng không chỉ bởi các công trình kiến trúc cổ mà còn bởi sự hấp dẫn, hài hòa của hệ thống cây xanh bao quanh.

Nhờ những hàng cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ mà Đại Nội và nhiều lăng tẩm ở Huế trở nên "có hồn" và hấp dẫn hơn. Nhưng cùng với thời gian, thiên tai khắc nghiệt, hệ thống cây xanh, cây cổ thụ ở các điểm di tích đang đứng trước thực trạng bị xâm hại bởi nhiều loài sinh vật tự nhiên. Vấn đề này ảnh hưởng xấu đến tuổi thọ của các cây cổ thụ và có nguy cơ làm mất cảnh quan của các khu di tích Cố đô Huế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục