VEC giảm phí cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây

19:16' - 11/07/2016
BNEWS Để bù đắp các khoản thiếu hụt có thể xảy ra do việc điều chỉnh giảm phí, VEC sẽ áp dụng các biện pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp...
Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây. Ảnh: Tràng Dương/TTXVN

Chiều 11/7, ông Đỗ Chí Chung, Chánh Văn phòng Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), cho biết, từ 0 giờ ngày 1/8/2016, VEC thực hiện điều chỉnh giảm khoảng 10% mức cước phí đối với xe tải loại 4 (xe tải có tải trọng từ 10 đến dưới 18 tấn và xe chở container 20 feet) và xe tải loại 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở container 40 feet) tham gia giao thông trên tuyến đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây (đoạn từ Quốc lộ 51 đến Dầu Giây).

Cụ thể: Đối với xe loại 1, 2 và loại 3 - mức phí không đổi. Xe tải loại 4 giảm từ 150.000 đồng xuống còn 140.000 đồng; Xe tải loại 5 giảm từ 240.000 đồng xuống còn 220.000 đồng.

Theo ông Đỗ Chí Chung, để bù đắp các khoản thiếu hụt có thể xảy ra do việc điều chỉnh giảm phí, VEC sẽ thường xuyên tăng cường áp dụng các biện pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp...

Dự án xây dựng đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây là Dự án đường bộ cao tốc đầu tiên ở khu vực phía Nam do VEC đầu tư và quản lý, khai thác. Dự án được khởi công ngày 3/10/2009, thông xe toàn tuyến ngày 8/2/2015.

Kể từ khi thông xe kỹ thuật 20km đầu tiên (ngày 2/1/2014), tính đến ngày 30/6/2016, tuyến cao tốc đã phục vụ 21,2 triệu lượt phương tiện an toàn và thông suốt, với lưu lượng trung bình 28.000 - 30.000 lượt xe/ngày đêm, ngày cao điểm lên tới 40.000 – 50.000 lượt phương tiện. 

Việc đưa vào khai thác tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đã đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương dọc tuyến và các khu vực lân cận.

Lưu thông trên tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây rút ngắn 1/3 khoảng cách và 1/2 thời gian đi các vùng tiếp giáp Tp. Hồ Chí Minh, tiết kiệm nhiên liệu và tiết giảm chi phí xã hội hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Sau khi tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Nha Trang hoàn thành, cũng như khi đưa tuyến nối cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây với cao tốc Bến Lức – Long Thành vào khai thác sẽ hình thành một hệ thống đường cao tốc đồng bộ, khi đó hiệu quả của tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây sẽ lan tỏa hơn nữa.

Ngoài ra, cuối năm 2015, công trình đường song hành với đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đã chính thức được khởi công, sẽ tạo thêm thuận lợi và cơ hội cho người tham gia giao thông lựa chọn lộ trình phù hợp với tuyến đường và thời gian lưu thông của mình.

Bên cạnh đó, cuối năm 2016, hệ thống điều hành giao thông thông minh (ITS) trên tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây sẽ được hoàn thiện và đưa vào khai thác, góp phần tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu sự cố và tai nạn giao thông trên tuyến, ứng cứu và xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Toàn bộ tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây có tổng mức đầu tư 20.630 tỷ đồng chủ yếu vay vốn nước ngoài./. 

>>> Bất đồng trong việc thu phí nút giao cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục