Vì sao Ankara tiếp tục cân bằng trong quan hệ với Nga và Mỹ?
Theo đó, sau cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Sochi, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã tiến hành hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Washington. Cuộc gặp chỉ kéo dài 20 phút và không mấy suôn sẻ.
Bên cạnh đó, quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) với Ankara hiện đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua sau cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ và cuộc trưng cầu dân ý.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang gây áp lực đối với EU, đe doạ sẽ một lần nữa cho phép dòng người di cư đi qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ để vào châu Âu. Đồng thời, Ankara cũng đang đưa ra vài tín hiệu ám chỉ cho việc mong muốn gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng hải (SCO) và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU).
Theo ông Shokri, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ quan hệ với cả Nga và Mỹ, và cố gắng đảm bảo cân bằng. Chủ đề chính trong cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Trump và Erdogan là vấn đề Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ coi người Kurd là mối đe doạ chính đối với an ninh của mình, còn Mỹ thì ngược lại, ủng hộ quan hệ hợp tác với lực lượng người Kurd. Ngoài ra, ông Erdgoan còn quan tâm đến vấn đề dẫn độ giáo sỹ đối lập Fatullah Gullen.
Vấn đề người Kurd là một chủ đề khá nhạy cảm đối với Thổ Nhĩ Kỳ và việc Mỹ và Nga hỗ trợ người Kurd khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy bất an. Rõ ràng một điều: cả Moskva và Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ các nhóm người Kurd.
Chính vì lý do này mà các vấn đề về người Kurd đã không đạt được thoả thuận giữa 2 bên. Có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục chính sách cân bằng giữa Nga và Mỹ.
Mối quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đã xấu đi sau sự cố máy bay chiến đấu của Nga bị bắn hạ. Tuy nhiên, Ankara không mong muốn duy trì mối quan hệ căng thẳng kéo dài với Moskva bởi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ kinh tế, thương mại và du lịch khá bền chặt.
Thứ nhất, Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên chính cho Thổ Nhĩ Kỳ, thứ hai, hàng năm có tới hàng triệu khách du lịch Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, năm ngoái, chỉ có khoảng 800.000-900.000 lượt khách Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ, giảm tới 76% so với năm 2015. Ngành du lịch Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào tình trạng khủng hoảng khiến các doanh nghiệp phải đóng cửa hàng trăm khách sạn.
Theo các thông tin chính thức, dòng khách du lịch nước ngoài vào Thổ Nhĩ Kỳ giảm 30% nên doanh thu từ du lịch cũng giảm đi 1/3 trong năm 2016, với tổng thiệt hại khoảng 22 tỷ USD.
Bên cạnh đó, giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã có thoả thuận về hợp tác trong lĩnh vực xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân Akkuyu ở bờ biển phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi mối quan hệ xấu đi một cách nhanh chóng, việc thực hiện dự án này đã bị đình chỉ.
Và chỉ sau khi Tổng thống Erdogan viết bức thư cho Tổng thống Putin vào tháng 8/2016 thì quá trình bình thường hoá quan hệ song phương mới được bắt đầu.
Tại cuộc gặp ở Sochi vừa qua, chủ đề này lại một lần nữa được đề cập đến. Tổng thống Nga tuyên bố tổng đầu tư của Nga vào dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu ở Thổ Nhĩ Kỳ lên tới 22 tỷ USD.
Hơn nữa, hai nhà lãnh đạo còn thống nhất về việc gỡ bỏ tất cả các lệnh cấm vận trong lĩnh vực kinh tế giữa hai nước, ngoại trừ việc cung cấp cà chua Thổ Nhĩ Kỳ vào thị trường Nga.
Tuy nhiên, vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại nhất lúc này vẫn là chủ đề về người Kurd. Nga ủng hộ người Kurd và điều này là tín hiệu báo động với Thổ Nhĩ Kỳ. Cách đây không lâu, đại diện của người Kurd đã đến thăm Moskva.
Dù vậy, ông Shokri cho rằng trong tương lai, mối quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phát triển nhanh chóng, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Trong năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ đang chờ đợi dòng khách du lịch khổng lồ đến từ Nga.
Về quan hệ thương mại song phương giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU, Ankara có mối quan hệ kinh tế rất tốt với EU. Không một quốc gia hay một nhóm quốc gia nào có được tiềm năng mà Thổ Nhĩ Kỳ đang có, và nước này hiện đang có chỗ đứng quan trọng trong danh sách các quốc gia có quan hệ thương mại với EU.
Năm 2016, kim ngạch thương mại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU vào khoảng 145 tỷ euro. Xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ vào thị trường EU tăng 8,3% so với năm 2015, đạt 66,7 tỷ euro, và nhập khẩu giảm 1,25%, xuống còn 78 tỷ euro.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ thường phát tín hiệu về việc muốn gia nhập EAEU. Thương mại tự do với các quốc gia thành viên của EAEU cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tăng đáng kể hàng hoá xuất khẩu, so với nhập khẩu.
Nguyên nhân là do năng lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu, chủ yếu được cung cấp bởi Nga, quốc gia dẫn đầu EAEU. Chính vì vậy mà tổng kim ngạch nhập khẩu sẽ không biến động lớn.
Theo các số liệu năm 2015, Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Nga. Năm 2014, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Ankara và Moskva đạt gần 44 tỷ USD. Hơn nữa, hiện Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia thứ 2 (sau Đức) nhập khẩu nhiều khí đốt của Nga nhất.
Về dự án “Dòng chảy phương Nam”, chuyên gia này nhận định EU sẽ nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga và không ủng hộ ý tưởng xây dựng đường ống dẫn khí đốt quốc tế “Dòng chảy Phương Nam”. Nga biết rất rõ điều này.
Vài năm trước Tổng thống Putin đã từng tuyên bố Moskva sẽ từ bỏ việc xây dựng “Dòng chảy Phương Nam” vì quan điểm không mang tính xây dựng của EU về đường ống dẫn khí đốt này. Châu Âu cũng hiểu rất rõ việc thực hiện dự án này sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga hơn nữa.
Trong kế hoạch thương mại song phương, Moskva luôn là người giành chiến thắng, và Moskva vẫn sẽ đảm bảo chiến thắng của mình, nếu như “Dòng chảy phương Nam” được thực hiện.
Bên cạnh đó, vẫn còn có một đường ống dẫn khí đốt khác chưa được khai thác là “Dòng chảy phương Bắc-2” - dự án đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Đức thông qua biển Baltic, trên cơ sở mở rộng dự án “Dòng chảy phương Bắc”.
Một vài quốc gia ở châu Âu đang phản đối việc thực hiện dự án này, nhưng về nguyên tắc thì đường ống khí đốt đặc biệt quan trọng trong điều kiện trữ lượng khí đốt ở châu Âu ngày càng cạn kiệt.
Theo ông Shokri, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ với EU gần đây không thật sự tốt đẹp. Sau khi Ankara tuyên bố về một cuộc trưng cầu dân ý thì mối quan hệ này đã trải qua những khủng hoảng mới.
Trong thời gian ngắn sắp tới, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và EU có thể được cải thiện hơn hoặc được bình thường hoá trở lại vì Thổ Nhĩ Kỳ và EU vẫn cần đến nhau. Thảo luận về những rào cản trong quan hệ song phương sẽ có lợi cho cả hai phía.
Sau cuộc trưng cầu dân ý, Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn củng cố quan hệ với các nước lớn, do đó các chuyến công du nước ngoài của vị lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đến các quốc gia có vai trò then chốt trên thế giới, bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc và châu Âu, sẽ mang đến lợi ích cho Ankara./.
- Từ khóa :
- thổ nhĩ kỳ
- nga
- mỹ
- eu
- sco
- eaeu
- người kurd
Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
Thổ Nhĩ Kỳ không hạn chế nhập khẩu nông sản Nga?
16:22' - 25/05/2017
Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ ngày 25/5 đã bác bỏ những thông tin nói rằng Ankara hạn chế nông sản nhập khẩu từ Nga.
-
Kinh tế Thế giới
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đạt tiến bộ trong dỡ bỏ các lệnh trừng phạt
09:06' - 23/05/2017
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho biết nước này đã đạt được "tiến triển quan trọng" với Nga trong hầu hết các vấn đề liên quan tới dỡ bỏ các lệnh trừng phạt thương mại.
-
Kinh tế Thế giới
Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ điêu đứng vì bất ổn chính trị
05:30' - 09/05/2017
Các vụ tấn công bằng bom, cuộc đảo chính bất thành, biến động chính trị và chiến tranh tại quốc gia láng giềng Syria đã và đang tác động tiêu cực đến ngành du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ.
-
Kinh tế Thế giới
Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị điều tra quốc tế vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Syria
11:51' - 11/04/2017
Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị điều tra quốc tế vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Idlib, Syria
-
Kinh tế Thế giới
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thảo luận về tư cách thành viên EU
07:58' - 10/04/2017
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan sẽ tiến hành trưng cầu dân ý, trước khi tiến hành thảo luận lại về thoả thuận gia nhập EU.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
Ấn Độ coi Italy là đối tác, đồng minh quan trọng ở châu Âu
12:07'
Phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn lời Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar cho biết nước này coi Italy là đối tác, đồng minh quan trọng ở châu Âu và là một quốc gia có ảnh hưởng rất lớn ở Địa Trung Hải.
-
Kinh tế Thế giới
Thổ Nhĩ Kỳ, Nga nhất trí tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực
12:05'
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để thảo luận về quan hệ song phương, các vấn đề khu vực và quốc tế.
-
Kinh tế Thế giới
Hàn Quốc tổ chức hội nghị bàn tròn với các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam
12:05'
Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc hôm 25/11 đã tổ chức hội nghị bàn tròn với các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam.
-
Kinh tế Thế giới
ASEAN, Ấn Độ thông báo vòng đàm phán tiếp theo về hiệp định thương mại song phương
09:49'
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Bộ Công thương Ấn Độ mới đây thông báo vòng đàm phán tiếp theo về rà soát Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Ấn Độ (AITIGA) dự kiến được tổ chức vào tháng 2/2025.
-
Kinh tế Thế giới
Fed: Nợ công của Mỹ là rủi ro lớn nhất đối với sự ổn định tài chính
14:29' - 24/11/2024
Theo nhận định từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nợ công của nước này hiện là rủi ro lớn nhất đối với sự ổn định tài chính, vượt qua cả vấn đề lạm phát cao dai dẳng.
-
Kinh tế Thế giới
Hỗ trợ các doanh nghiệp Argentina mở rộng hợp tác thương mại với Việt Nam
09:26' - 24/11/2024
Đại sứ Ngô Minh Nguyệt khẳng định sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Argentina mở rộng hợp tác thương mại với Việt Nam, đặc biệt trong xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh của địa phương này
-
Kinh tế Thế giới
10 sự kiện kinh tế thế giới nổi bật tuần qua
09:25' - 24/11/2024
Giá vàng thế giới tăng mạnh nhất gần hai năm qua, đồng bitcoin tăng giá khoảng 130%, đồng USD áp sát mức cao nhất trong 13 tháng... là trong những sự kiện kinh tế thế giới nổi bật trong tuần qua.
-
Kinh tế Thế giới
Trung Quốc: Phát hiện mỏ vàng trữ lượng siêu lớn ở tỉnh Hồ Nam
20:39' - 23/11/2024
Mỏ mới ở độ sâu 2.000m bên dưới mỏ vàng Wangu ở huyện Bình Giang.
-
Kinh tế Thế giới
Các nhà điều hành kinh tế trong chính phủ của Tổng thống đắc cử Donald Trump
15:46' - 23/11/2024
Ngày 22/11, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề cử nhà đầu tư Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ mới.