Vì sao chứng khoán Mỹ trồi sụt thất thường suốt tuần qua?

11:35' - 23/09/2017
BNEWS Thị trường chứng khoán Mỹ trồi sụt khá thất thường trong tuần qua và sự hứng khởi ở đầu tuần đã dần thoái trào vào cuối tuần.
Chứng khoán Mỹ trồi sụt thất thường trong tuần qua. Ảnh minh họa: EPA

Phố Wall khởi động tuần này trong không khí đầy tích cực, trước thềm cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và thị trường vừa trải qua những ngày cuối tuần “yên ả” khi tình hình căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên dịu xuống, kéo các nhà đầu tư rời khỏi các tài sản an toàn.

Thậm chí trong phiên giao dịch ngày 19/9, ba chỉ số chủ lực của chứng khoán Mỹ đều xác lập mức cao kỷ lục mới, nhờ lực đẩy đến từ số liệu kinh tế Mỹ được cải thiện, lợi nhuận doanh nghiệp tốt hơn và kế hoạch cắt giảm thuế của đảng Cộng hòa được quan tâm nhiều hơn.

Sau khi Fed để ngỏ khả năng tăng lãi suất thêm một lần nữa vào tháng 12 tới, thị trường ngày 20/9 đã có sự phân hóa. Chỉ số Dow Jones tiếp tục "hưng phấn" khi ghi nhận phiên cao kỷ lục thứ bảy liên tiếp, còn chỉ số Nasdaq lại đảo chiều hạ.

Trước khi tăng giảm bất nhất ở phiên cuối tuần, thị trường chứng khoán Mỹ phiên 21/9 đã trải qua một ngày giao dịch ảm đạm. Giới đầu tư đẩy mạnh hoạt động bán ra chốt lời và thị trường lo ngại về khả năng Fed thắt chặt chính sách tiền tệ đã đè nặng lên tâm lý của giới đầu tư.

Ngoài ra, thị trường còn chịu tác động tiêu cực bởi tuyên bố từ Bộ trưởng Ngoại giao CHDCND Triều Tiên Ri Yong-ho rằng nước này có thể thử bom nhiệt hạch (bom H) có sức công phá mạnh nhất trên Thái Bình Dương nhằm phản ứng "ở mức cao nhất" đối với Mỹ.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố sắc lệnh hành chính áp đặt các lệnh trừng phạt mới với Triều Tiên.

Theo đó, Washington để ngỏ khả năng mở rộng danh sách đen những cá nhân và thực thể có hoạt động kinh doanh với Bình Nhưỡng, bao gồm cả hoạt động vận chuyển đường biển và các mạng lưới thương mại, siết chặt hơn nữa việc giám sát các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (ngày 22/9), chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 9,64 điểm (0,04%), xuống 22.349,59 điểm. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, chỉ số này vẫn tăng 0,4%.

Trong khi đó, bất chấp sự sụt giảm của giá cổ phiếu Apple, chỉ số S&P 500 vẫn tăng nhẹ 1,62 điểm (0,06%) trong phiên này, lên 2.502,22 điểm, qua đó ghi nhận mức tăng gần 0,1% cho cả tuần qua. Còn chỉ số Nasdaq Composite cũng “nhích” 4,23 điểm (0,07%) trong phiên 22/9, lên 6.426,92 điểm.

Tuy nhiên, chỉ số này mất 0,3% trong cả tuần. Thị trường chứng khoán Mỹ phiên 22/9 dường như đã không còn bị chi phối bởi những phát biểu của các nhà lãnh đạo Mỹ và CHDCND Triều Tiên. Nhà đầu tư trên Phố Wall đã nhận được sự "khích lệ" khi chỉ số small-cap (vốn hóa nhỏ) Russell 2000 vọt lên mức cao kỷ lục.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục