Việt Nam khởi động chương trình nghị sự 2030

14:49' - 19/05/2016
BNEWS Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua vào tháng 9/2015 tại New York.
Hội thảo Khởi động chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Sáng 19/5, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo Khởi động chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào tháng 9/2015 tại New York.

Chương trình nghị sự 2030 đưa ra tầm nhìn, định hướng về phương thức thực hiện, các quan hệ đối tác toàn cầu và các hành động để hướng tới phát triển bền vững trên toàn cầu cho giai đoạn 15 năm tới.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, Chương trình nghị sự trên của Liên hợp quốc được thông qua năm 2015 và Việt Nam cam kết tham gia, ủng hộ mục tiêu này.

Theo đó, Việt Nam sẽ tập trung mọi nguồn lực cần thiết để thực hiện thành công các mục tiêu cụ thể, hướng tới phát triển bền vững, vì con người.

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, thực hiện mục tiêu trên cần có tư duy đột phá, xác định mục tiêu và những giải pháp hữu hiệu, hướng tới sự tổng quát, toàn diện. Xét rộng hơn, cần có sự đồng thuận, ủng hộ chính trị ở cấp nguyên thủ quốc gia. Đặc biệt, cần phối hợp quan hệ đối tác giữa Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội.

Chương trình 2030 gồm 17 mục tiêu chung và 169 chi tiêu cụ thể về phát triển bền vững. Đây là định hướng toàn cầu và mỗi quốc gia cần phải đặt ra những mục tiêu phù hợp với hoàn cảnh của mình; quyết định cách thức thực hiện và lồng ghép phát triển bền vững vào quá trình lập kế hoạch cũng như xây dựng các chiến lược, chính sách của quốc gia.

Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng phát triển bền vững và xác định là mục đích xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước; trong đó, chú trọng thực hiện mục tiêu thiên niên kỳ, tập trung xóa đói giảm nghèo, chăm sóc trẻ em kết hợp phát triển y tế, giáo dục, bình đẳng giới…

Đến nay, Việt Nam được dư luận quốc tế đánh giá cao về kết quả hành động và những thành tích nổi bật trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, tạo ra những thay đổi hết sức to lớn, thiết thực cho người dân.

15 năm tới sẽ chứng kiến sự chuyển biến, nỗ lực cũng như những thách thức cần xử lý để phát triển bền vững, phấn đấu vì sự tiến bộ chung của nhân loại và hội nhập quốc tế. Công tác tuyên truyền cũng sẽ được tăng cường, kêu gọi sự tham gia của cả cộng đồng, vì tương lai văn minh, tiến bộ trên phạm vi toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục