Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao trên thế giới

14:46' - 30/11/2016
BNEWS Ngày 30/11, tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, Hà Nội đã diễn ra Lễ Mít tinh truyền thông phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam năm 2016.
Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao trên thế giới. Ảnh minh họa: TTXVN
Lễ Mít tinh có sự tham gia của hơn 500 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội; các bệnh viện, viện nghiên cứu, trường đại học và một số tổ chức quốc tế, đại sứ quán trên địa bàn Hà Nội.

Đây là sự kiện quan trọng do Bộ Y tế , Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hà Nội; Tổ chức Y tế Thế giới, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc phối hợp tổ chức.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, kháng sinh ra đời không chỉ có lợi ích to lớn trong điều trị, chăm sóc người bệnh, mà còn được sử dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt để điều trị, phòng chống dịch bệnh trên động vật, cũng như cho mục đích sản xuất. Song song với điều này cũng đã xuất hiện tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn. Kháng thuốc không phải là vấn đề mới, nhưng hết sức trầm trọng, đòi hỏi phải có sự nỗ lực tổng hợp nhằm giúp nhân loại tránh khỏi nguy cơ quay trở lại thời kỳ chưa có kháng sinh.

Hiện nay, kháng thuốc đang là vấn đề toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Thế giới mỗi năm có hàng trăm ngàn người chết do kháng thuốc và phải chi phí hàng trăm tỷ USD cho kháng thuốc. Đó là lý do tại sao Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan quốc tế khác chỉ ra rằng kháng kháng sinh là một mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với điều trị trong tương lai.

"Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa" là khẩu hiệu mà Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi các nước cùng chung tay phòng chống kháng thuốc, trong đó có Việt Nam.

Phát biểu tại lễ mít tinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, kháng thuốc và xu hướng gia tăng kháng thuốc đã và đang trở thành một nguy cơ lớn cho toàn thể nhân loại, là mối hiểm họa nhiều mặt đối với sự sống còn của loài người, đối với sức khỏe cộng đồng, đối với kinh tế - thương mại và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, làm giảm hiệu quả các phương pháp điều trị kinh điển.

Kháng thuốc là hiểm họa ngày càng lớn đối với con người và nền kinh tế Việt Nam do việc sử dụng kháng sinh ngày càng gia tăng và thiếu kiểm soát trong y tế cũng như trong chăn nuôi và càng nguy hiểm hơn khi nó xâm nhập vào chuỗi thức ăn và môi trường sinh thái của chúng ta.

Đáng báo động ở Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn kháng đa thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng đặc biệt ở nhóm vi khuẩn gram âm, thường xuất hiện trong các bệnh viện đã có vi khuẩn biến đổi gen đa kháng với carbapenem thế hệ mới. Tổ chức Y tế Thế giới xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao trên thế giới.

Việt Nam đã hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ chức Y tế Thế giới “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” và là một trong số các nước đi đầu trong việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020 (Quyết định số 2174/QĐ-BYT ngày 21/6/2013), với mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống kháng thuốc, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh, khám chữa bệnh, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

“Kế hoạch phòng chống kháng thuốc là Kế hoạch liên ngành, đòi hỏi sự nỗ lực và cam kết thực hiện của tất cả các bộ, ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương cùng vào cuộc để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc chứ không chỉ riêng của ngành y tế”, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến khẳng định.

Nhân dịp này, Bộ Y tế tiếp tục kêu gọi mỗi cán bộ y tế, người dân và toàn thể cộng đồng cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm. Mỗi người dân chỉ mua và sử dụng thuốc kháng sinh khi được bác sỹ khám bệnh, kê đơn và sử dụng kháng sinh theo đúng hướng dẫn của bác sỹ. Người nông dân sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Các cán bộ y tế tuân thủ đúng các hướng dẫn chuyên môn và sử dụng kháng sinh trong điều trị hợp lý, an toàn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục