Vườn xanh trên cát trắng Quảng Bình

06:30' - 02/07/2016
BNEWS Ít ai có thể hình dung được vùng đất cát trắng ven biển Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình giờ đây lại có một trang trại sản xuất rau xanh bốn mùa.
Vườn xanh trên cát trắng Quảng Bình. Ảnh: TTXVN

Để có mặt tại kệ rau củ quả sạch của siêu thị Co.opmart Quảng Bình, những sản phẩm cải xanh, hành lá, xà lách, mướp đắng... của Công ty cổ phần Thanh Hương ở xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã được sản xuất theo quy trình VietGAP, chất lượng được đảm bảo từ khâu gieo trồng đến xuất thành phẩm.

Nhờ cơ duyên, chúng tôi có cơ hội được tham quan quá trình sản xuất những sản phẩm rau xanh sạch trên vùng cát trắng tại trang trại của anh Võ Đại Nghĩa, Giám đốc Công ty cổ phần Thanh Hương.

Ít ai có thể hình dung được vùng đất cát trắng ven biển Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình giờ đây lại có một trang trại sản xuất rau xanh bốn mùa, mùa nào thức nấy, từ cải xanh, mồng tơi, hành lá, đến mướp đắng, dưa chuột, đậu cô ve... xanh non mượt mà.

Điều quan trọng là anh Võ Đại Nghĩa - chủ nhân của trang trại, đã sản xuất rau theo quy trình VietGAP nhằm mang đến sản phẩm rau sạch cho người tiêu dùng. Trong câu chuyện thân tình với những người khách lạ, anh Võ Đại Nghĩa cho biết, mới đầu chỉ có khoảng 1.500m2 đất trồng rau xanh nhưng hiện nay Công ty đã mở rộng quy mô sản xuất lên 1,5ha với đầy đủ các khu gieo trồng, khu xử lý sau thu hoạch.

Và tương lai xa hơn, Công ty sẽ đầu tư nhà kính trên toàn bộ diện tích này để có thể sản xuất các loại rau chủ lực quanh năm nhằm cung cấp cho thị trường.

Đến thăm trang trại rau xanh, các công nhân của Công ty đang nhổ cỏ trên luống rau mồng tơi. Một nhóm công nhân khác xới đất trộn phân chuồng để lên luống trồng hành lá.

Anh Trần Văn Hiếu, cán bộ kỹ thuật của Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết, có sự khác nhau rõ rệt giữa việc canh tác rau theo truyền thống và theo hướng VietGAP, nhất là trong khâu giống, chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thời gian cách ly khi thu hoạch.

Trong sản xuất rau truyền thống, bà con thường canh tác theo kiểu tận dụng đất, sử dụng giống tự để lại, ít dùng phân chuồng hoai mục, sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật và nhất là thời gian cách li sau khi dùng thuốc không đủ dài nên không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Còn đối với việc trồng rau theo VietGAP, quy trình luôn được đảm bảo từ khâu lựa chọn giống có nguồn gốc, có xác nhận, đến khâu gieo trồng chăm sóc phải đảm bảo quy trình của từng loại rau.

Đặc biệt, trồng rau theo VietGAP luôn hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nếu cây trồng có bị sâu bệnh việc sử dụng thuốc phải là lựa chọn cuối cùng và sử dụng thuốc trong danh mục cho phép; sau khi dùng thuốc phải ghi chép lại và đảm bảo thời gian cách ly đối với từng loại rau.

Các hộ dân trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: TTXVN

Hiện tại, trang trại sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP của Công ty Thanh Hương đang được Chi cục Bảo vệ thực vật hỗ trợ kỹ thuật và kiểm soát sâu bệnh hại.

Anh Nguyễn Văn Tuân, tổ trưởng tổ cây trồng của Công ty chia sẻ, khó khăn lớn nhất là vùng đất này chỉ có cát trắng nên phải mua đất thịt từ xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình về xới trộn và bổ sung phân chuồng hoai mục để cải tạo đất.

Cũng chính vì sự khó khăn như thế nên khi canh tác, Công ty rất chú ý trong sử dụng phân, chủ yếu là dùng phân hữu cơ, phân chuồng hoai chứ không sử dụng phân hóa học, đạm vô cơ để tránh làm đất bị bạc màu sau vài vụ gieo trồng. Trang trại đang trồng mướp đắng, dưa chuột, đậu cô ve, hành lá và rau mồng tơi.

Các loại rau này đều được trồng và giám sát theo quy trình của từng loại trong tất cả các khâu gieo trồng, bón phân, phun thuốc và thời gian cách ly. Có được thành quả này một phần nhờ sự hỗ trợ về kỹ thuật của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Bình với mô hình sản xuất rau an toàn theo VietGAP khởi động từ tháng 2/2016.

Đến nay, sau 4 tháng đi vào sản xuất, Công ty đã thu hoạch được khoảng chục lứa cải xanh, hành lá, dưa chuột, đậu cô ve, mướp đắng, mồng tơi... Sản phẩm rau xanh sau khi thu hoạch sẽ được sơ chế, đóng gói cẩn thận mới đưa đến tay người tiêu dùng.

Sản phẩm rau sạch của Công ty cổ phần Thanh Hương đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, một số sản phẩm như cải xanh, hành lá, xà lách, mướp đắng được siêu thị Co.opmart Quảng Bình lựa chọn đưa vào kinh doanh trong siêu thị và được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn cũng như đánh giá cao về chất lượng rau sạch, an toàn.

Tuy nhiên, có mặt trên kệ rau sạch của siêu thị Co.opmart Quảng Bình mới chỉ được 30% sản lượng thu hoạch, còn 70% còn lại đến tay người tiêu dùng qua kênh chợ truyền thống. Như vậy, giá cả mang lại không cao và về lâu dài sẽ gây thua lỗ, bởi vì sản xuất rau sạch tốn rất nhiều công sức.

Vì vậy, nỗi trăn trở lớn nhất của chủ trang trại cũng như niềm mong muốn của nhiều công nhân Công ty Thanh Hương là tìm được kênh thu mua toàn bộ sản lượng các loại rau sạch, an toàn do trang trại sản xuất.

Từ đó, vừa tạo ổn định đầu ra cho sản phẩm, ổn định tình hình sản xuất và phát triển của trang trại, vừa tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động trên vùng đất cát Quảng Bình. Đồng thời, nguồn rau sạch, đảm bảo chất lượng sẽ có mặt nhiều hơn trong gian bếp và bữa ăn của mỗi người dân Việt.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục