WB công bố báo cáo về học tập và phát triển công bằng khu vực Đông Á-Thái Bình Dương

13:12' - 15/03/2018
BNEWS Ngày 15/3, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo “Tăng trưởng thông minh hơn: Học tập và Phát triển công bằng ở Đông Á - Thái Bình Dương”.
Chuyên gia về giáo dục của WB tại Việt Nam trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Báo cáo nêu rõ 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó phải kể đến bước phát triển ấn tượng trong hệ thống giáo dục của Trung Quốc và Việt Nam.

Đây là một thành tựu lớn của khu vực và có thể trở thành những bài học kinh nghiệm quan trọng cho các quốc gia khác trên thế giới.

Tuy nhiên, ở những nơi khác trong khu vực, 60% số học sinh vẫn đang theo học tại các hệ thống nhà trường yếu và không được trang bị những kỹ năng cần thiết để đạt được thành công.

Tại đầu cầu Hà Nội, chia sẻ về những phát triển ấn tượng trong hệ thống giáo dục của Việt Nam, bà Raja Bentaouet Kattan, đồng tác giả của Báo cáo và là Chuyên gia trưởng về giáo dục của Ngân hàng Thế giới cho biết, những năm qua, Việt Nam đã tiến hành nhiều đổi mới, có các chính sách phù hợp, đồng bộ với thể chế của Việt Nam và thực hiện đầu tư giáo dục hiệu quả.

Việt Nam phân bổ chỉ tiêu trên đầu người nhiều hơn cho các tỉnh có điều kiện khó khăn về địa lý. Đối với giáo viên dạy học ở vùng sâu, vùng xa được trả mức lương cao hơn giáo viên thành phố, thông qua các hình thức phụ cấp khác. 

Nhìn chung, đội ngũ giáo viên được phát triển mạnh về đào tạo kỹ năng tập huấn, nâng cao tỷ lệ học sinh đến trường.

Trong các kỳ thi lớn, Việt Nam đã có nhiều cải cách hướng tới đa dạng hóa các phương pháp kiểm tra, cải thiện chất lượng hoạt động và tạo cơ sở đánh giá dựa trên năng lực của học sinh.

Việc mở rộng đánh giá quốc gia trên các môn đọc hiểu, Toán, Tiếng Việt để xác định vấn đề cũng là một nội dung quan trọng trong quá trình cải cách chương trình giáo dục của Việt Nam.

Báo cáo "Tăng trưởng thông minh hơn: Học tập và Phát triển công bằng ở Đông Á - Thái Bình Dương" cho thấy cải thiện chất lượng giáo dục là điều cần thiết để duy trì tăng trưởng kinh tế. Báo cáo cũng chỉ ra cách các quốc gia trong khu vực sử dụng để cải thiện kết quả học tập của học sinh.

Từ những bài học kinh nghiệm của các hệ thống giáo dục thành công trong khu vực, Báo cáo đưa ra một loạt các đề xuất chính sách thiết thực để thúc đẩy học tập hướng đến trang bị cho học sinh các kỹ năng đọc và tính toán cơ bản, cũng như các kỹ năng phức tạp hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động tương lai.

Ngoài ra, Báo cáo nhấn mạnh, kết quả học tập của học sinh không nhất thiết phải tỷ lệ thuận với mức thu nhập của quốc gia đó. Ví dụ, ở độ tuổi lên 10, một học sinh Việt Nam trung bình có thành tích học tập tốt hơn hầu hết các học sinh tốp đầu của Ấn Độ, Peru và Ethiopia.

Một phát hiện quan trọng khác của Báo cáo là thu nhập hộ gia đình không phải luôn quyết định kết quả học tập của trẻ và điều này đúng với tất cả các nước trong khu vực.

Báo cáo đưa ra các bước cụ thể giúp cải thiện kết quả học tập cho các hệ thống giáo dục tụt hậu trong khu vực cũng như các quốc gia khác trên thế giới, bắt đầu bằng việc đồng bộ thể chế để đảm bảo sự nhất quán và phù hợp giữa mục tiêu và trách nhiệm trên khắp hệ thống giáo dục.

Báo cáo cũng kêu gọi các quốc gia tập trung vào bốn lĩnh vực chính: chi tiêu công có hiệu quả và công bằng, chuẩn bị cho học sinh học tập, lựa chọn và hỗ trợ giáo viên và sử dụng có hệ thống các chương trình đánh giá để định hướng công tác giảng dạy.

Báo cáo cho biết các hệ thống giáo dục đứng đầu chi tiêu hiệu quả cho cơ sở hạ tầng trường học và giáo viên, có các quy trình tuyển dụng để đảm bảo thu hút được những ứng viên giỏi nhất cho công tác giảng dạy và đưa ra cơ chế lương thưởng xứng đáng cho các giáo viên có thành tích giảng dạy trên lớp.

Báo cáo cũng nhận thấy rằng nhiều hệ thống giáo dục trong khu vực chú trọng tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục mầm non, kể cả cho người nghèo và đã áp dụng viêc đánh giá kết quả học tập của học sinh vào chính sách giáo dục.

Báo cáo này bổ sung và được xây dựng dựa trên Báo cáo "Phát triển Thế giới 2018: Học tập để hiện thực hóa mục tiêu giáo dục", được công bố tháng 9 năm 2017 với nhận định, giáo dục nếu không đi cùng với các mục tiêu học tập sẽ không đạt được cam kết là loại bỏ đói nghèo cùng cực cũng như chia sẻ cơ hội và sự thịnh vượng cho tất cả mọi người./.

Xem thêm:

>>>WB dự báo tăng trưởng kinh tế Ấn Độ

>>>WB hỗ trợ Hà Nội phát triển giao thông và quy hoạch hệ thống thoát nước

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục