Xăng sinh học E5 chật vật tìm chỗ đứng

11:39' - 29/11/2016
BNEWS Mặc dù được quan tâm chỉ đạo sát sao nhưng việc triển khai phân phối xăng sinh học E5 tại Tp.Hồ Chí Minh còn gặp rất nhiều khó khăn, chật vật tìm chỗ đứng.
Xăng sinh học E5 chật vật tìm chỗ đứng. Ảnh minh họa: Sỹ Thắng/TTXVN.

Theo UBND Tp. Hồ Chí Minh, sản lượng tiêu dùng xăng sinh học E5 và số lượng cửa hàng kinh doanh xăng sinh học E5 trên địa bàn từ đầu năm 2016 đến nay có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra.

Thói quen tiêu dùng khiến người dân khó thay đổi để chuyển sang sử dụng xăng sinh học E5. Theo thống kê, đến 30/10, trên địa bàn thành phố có 282/532 cửa hàng xăng dầu có bán xăng E5, đạt 53% kế hoạch.

Sản lượng tiêu thụ bình quân tháng 10/2015 đạt hơn 4.500m3 và đến tháng 6/2016 đạt hơn 10.800 m3/tháng. Tuy nhiên, tháng 10/2016 lại giảm xuống chỉ còn khoảng 8.300m3/tháng.

Đây là con số ít trong tổng số sản lượng tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn thành phố bình quân ước đạt 130.100 m3/tháng.

Thành phố hiện có 15 doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý phân phối xăng dầu; trong đó, có 3 đơn vị chủ lực phối chế và cung ứng xăng sinh học E5.

Theo báo cáo của 3 đơn vị chủ lực, sản lượng xăng sinh học E5 của các đơn vị cung ứng ra thị trường có thể đạt 166.000 m3/tháng, đủ để cung ứng xăng sinh học E5 cho 532 cửa hàng trên địa bàn khi triển khai đồng loạt kinh doanh xăng E5.

Cụ thể, Công ty Xăng dầu Khu vực II TNHH MTV là 30.000 m3/tháng; Công ty TNHH MTV Dầu khí thành phố là 40.000 m3/tháng; Tổng Công ty Dầu Việt Nam là 96.000 m3/tháng.

Hiện nguồn Ethanol được cung cấp từ các đơn vị như Công ty TNHH Nhiên liệu Phương Đông, Công ty Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí, Công ty Cổ phần Nhiên liệu sinh học Miền Trung, Công ty TNHH Tùng Lâm.

Đánh giá về khó khăn trong tiêu thụ xăng sinh học E5 hiện nay, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, các cửa hàng kinh doanh xăng sinh học E5 có sản lượng tiêu thụ chậm, tồn kho và tỷ lệ hao hụt rất cao.

Tỷ lệ chiết khấu không cao khiến doanh thu thấp so với xăng khoáng A92, A95 và ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp, không bù đắp được chi phí hoạt động của cửa hàng.

Trong khi chưa có chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, quá trình triển khai chưa tích cực và đồng bộ thì đã có một số doanh nghiệp đề nghị tạm ngưng kinh doanh xăng E5.

Theo chủ trương, các cửa hàng xăng dầu sẽ kinh doanh xăng sinh học E5 cùng với xăng khoáng A92, A95. Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn “ưa” loại truyền thống nên kinh doanh xăng sinh học E5 không đạt hiệu quả. Việc đầu tư, lắp đặt thêm bồn bể, trụ bơm để kinh doanh xăng sinh học E5 tại các cửa hàng cũng gặp không ít khó khăn do quỹ đất, tài chính hạn chế.

Mặt khác, một số doanh nghiệp cho rằng, nguồn cung Ethanol không ổn định do các nhà máy sản xuất Ethanol đang đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, dẫn đến chi phí thu mua, bảo quản nguồn nguyên liệu Ethanol cao (do hao hụt nhiều).

Cùng đó, chi phí phối trộn và giá thành xăng sinh học E5 cao trong khi chênh lệch giá bán giữa xăng sinh học E5 và xăng khoáng A92 không nhiều nên chưa thật sự hấp dẫn người tiêu dùng.

Hiện giá xăng dầu trên thế giới đang có xu hướng giảm, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đẩy mạnh nhập khẩu dự trữ, xuất kho phân phối xăng khoáng A92, A95 hiệu quả hơn so với việc phân phối, kinh doanh xăng sinh học E5.

Về phía người tiêu dùng, theo ông Trần Vĩnh Tuyến, thành phố đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng về lợi ích sử dụng sản phẩm xăng sinh học E5 trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn chưa nhận thức, chưa thay đổi thói quen sử dụng truyền thống xăng khoáng A92.

Việc triển khai thí điểm phân phối xăng sinh học E5 trên phạm vi 1 số tỉnh, thành không đồng bộ và kịp thời ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu tiêu dùng xăng sinh học E5 của người dân và phân phối xăng sinh học E5 của doanh nghiệp.

Để triển khai thực hiện lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống hiệu quả theo lộ trình của Chính phủ, UBND Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện nhà máy sản xuất Ethanol tái hoạt động; có kế hoạch đảm bảo nguồn cung Ethanol phục vụ sản xuất, phối trộn xăng sinh học E5, đảm bảo an ninh năng lượng trong trường hợp triển khai đồng loạt thay thế toàn bộ xăng khoáng A92 bằng xăng sinh học E5.

Đồng thời, giảm giá thành xăng sinh học E5 để tạo hấp dẫn, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng và giảm áp lực, khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, phối trộn và kinh doanh xăng sinh học E5; hỗ trợ doanh nghiệp một phần chi phí cải tạo, đầu tư bồn bể, trụ bơm kinh doanh xăng E5.

UBND Tp. Hồ Chí Minh cũng lưu ý việc thay thế 100% xăng khoáng A92 bằng xăng sinh học E5 cũng cần được xem xét bởi lúc đó người tiêu dùng sẽ có xu hướng quay sang sử dụng xăng A95 dễ dẫn đến nhu cầu xăng A95 tăng cao, ảnh hưởng đến nguồn cung.

Do đó, nếu triển khai đồng loạt cần có kế hoạch, lộ trình phân kỳ cụ thể, phương án đầu tư bồn bể, nhập khẩu, dự trữ nguồn xăng khoáng A95 hợp lý để tránh thiếu hụt nguồn cung, ảnh hưởng đến thị trường.

Cùng đó, cần công bố rộng rãi, phổ biến các công trình, kết quả nghiên cứu về lợi ích, hiệu quả của xăng sinh học E5 để tạo niềm tin cho người tiêu dùng; tuyên truyền, công bố tính ưu việt của xăng sinh học E5 trên cơ sở khoa học thông qua các hội thảo, hội nghị, chuyên đề làm cơ sở thông tin, tuyên truyền sâu rộng cho người dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục