Xanh hoá chuỗi dệt may!

10:40' - 01/11/2015
BNEWS “Xanh hóa” chuỗi dệt may đang được xem là một bước ngoặt đối với ngành dệt may Việt Nam. Toàn ngành dệt may đã “xắn tay” vào chuẩn hóa nhằm đưa sản phẩm dệt may tới gần hơn với môi trường.
Đóng gói sản phẩm khăn lông tại Tổng Công ty cổ phần Phong Phú. Ảnh: An Hiếu-TTXVN

Khi cánh cửa hội nhập rộng mở cũng là lúc các doanh nghiệp trong nước sẽ phải vượt qua những cửa ải mới. Doanh nghiệp ngành dệt may cũng không ngoại lệ khi nhà nhập khẩu nước ngoài bắt đầu “để mắt” đến yếu tố môi trường trong từng sản phẩm. 

Vì vậy, “xanh hóa” chuỗi dệt may đang được xem là một bước ngoặt đối với ngành dệt may Việt Nam. Thời gian qua, không chỉ doanh nghiệp mà toàn ngành dệt may đã “xắn tay” vào chuẩn hóa nhằm đưa sản phẩm dệt may tới gần hơn với môi trường. 

Cải thiện hình ảnh

Vài năm trở lại đây, khái niệm “ăn ngon mặc đẹp” tưởng như xa hoa mà giờ đây đã phần nào trở nên lỗi thời khi ngành dệt may tung ra hàng loạt các mẫu vải thân thiện với môi trường.

Dù dòng sản phẩm này có thể đắt hơn nhiều nhưng do nhu cầu ngày càng tăng đã thúc đẩy các hãng dệt may tăng cường sản xuất các loại “vải sạch”.

Câu chuyện vải sạch sẽ không dừng lại ở đó bởi để sản xuất ra sản phẩm này, doanh nghiệp sẽ phải cải tạo tổng lực cả một chuỗi cung ứng từ sợi-dệt-nhuộm và hoàn tất.

Có lẽ vì vậy, không riêng gì Việt Nam ngay cả các nhà sản xuất dệt may hàng đầu thế giới của Trung Quốc, Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ, Hàn Quốc… cũng đang chú trọng tới việc phát triển sản phẩm của mình bằng sợi tự nhiên, sợi hữu cơ và quy trình chế biến sạch để tránh ô nhiễm đất và nguồn nước sinh hoạt.

Với đặc điểm khỏe, có sức đề kháng tốt, cần ít nước và không phải chăm sóc nhiều, gai dầu là loại cây đặc biệt, loại sợi tự nhiên bền nhất, thậm chí còn hơn cả sợi lanh.

Hơn thế, đây là loại sợi thoáng khí, chống được vi khuẩn và tia cực tím do đó, bông hữu cơ và gai dầu sẽ là hướng đi chủ đạo trong tương lai vì chúng là những sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, đáp ứng việc bảo vệ thiên nhiên trước sự ấm lên của toàn cầu.

Xuất phát từ nguyên do này, nhóm nghiên cứu của Viện Dệt may đã nghiên cứu đề tài đánh giá nhu cầu gắn nhãn sinh thái cho sản phẩm dệt may Việt Nam và đề xuất các giải pháp gắn nhãn sinh thái phù hợp với trình độ công nghệ trong nước.

Theo ông Nguyễn Văn Thông, Viện trưởng Viện Dệt may, quy trình gắn nhãn sinh thái cũng có thể sẽ được ứng dụng trong năm 2016. Thực hiện gắn nhãn sinh thái cho sản phẩm dệt may sẽ góp phần giảm tác động xấu của sản xuất dệt may tới môi trường, nâng cao hiệu quả môi trường và năng lực sản xuất thân thiện với môi trường của các doanh nghiệp.

Phân tích chất độc hại trên sản phẩm dệt may bằng máy sắc ký khí tại Viện Dệt May. Ảnh: Hoàng Hùng-TTXVN

Đồng thời tăng tính cạnh tranh của hàng may mặc Việt Nam; cải thiện hình ảnh doanh nghiệp sản xuất dệt may dưới góc độ môi trường và an toàn sản phẩm cho người tiêu dùng.

Nhân rộng mô hình

Tự hào giới thiệu về mô hình sản xuất xanh, ông Dương Khuê, Tổng giám đốc Hanosimex, Tổng công ty đã không ngần ngại chia sẻ, để có một môi trường trong lành như hiện nay, Hanosimex đã đầu tư nhiều hạng mục nhằm tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, năng lượng cũng như tạo môi trường lao động trong sạch, đảm bảo lợi ích môi trường - xã hội và kinh tế.

Cùng đó, Hanosimex còn giành được cho mình chứng nhận WRAP - chính sách trách nhiệm xã hội trong sản xuất may mặc toàn cầu. Đây là “giấy thông hành” quan trọng để hàng may mặc của nhà máy có thể hiện diện tại tất cả các quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là một trong những con chim đầu đàn đang sải cánh bay cao bay xa trong bối cảnh hội nhập. Bởi trong số 200 doanh nghiệp sản xuất trực thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam thì chỉ mới có 5 - 7% doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường bền vững của các nhà nhập khẩu nước ngoài.

Lấy ví dụ về việc gắn kết công nghiệp với bảo vệ môi trường, ông Đặng Vũ Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho hay, mô hình Khu công nghiệp Dệt may phố Nối B với một quy trình khép kín, chất thải lỏng được tập trung về bể gom qua hệ thống tách rác, sau đó chuyển qua các bể điều hòa, bể tiếp xúc, bể vi sinh, hệ thống than hoạt tính, bể khử trùng rồi mới được đưa ra ngoài.

Sản xuất hàng dệt kim xuất khẩu tại Công ty May Dệt kim Đài Loan (Khu Công nghiệp Gián Khẩu-Nình Binh). Ảnh: Vũ Sinh-TTXVN

Việc thu gom nước thải của Khu công nghiệp Phố Nối B luôn được tuân thủ theo đúng quy định của nhà nước giúp giữ sạch nguồn nước, góp phần lớn trong việc đảm bảo môi trường và cảnh quan xung quanh.

Ông Hùng cho rằng, nếu ngành dệt may Việt Nam kiên định áp dụng xu hướng “sản phẩm xanh” sẽ phát triển trở thành một ngành công nghiệp bền vững.

Tuy nhiên, dù đã chậm nhưng chưa muộn, ngay từ bây giờ các nhà sản xuất dệt may trong nước phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình. Điều này càng có ý nghĩa đặc biệt khi sử dụng sản phẩm xanh đang là xu hướng toàn cầu hóa mà dệt may Việt Nam lại chủ yếu phục vụ xuất khẩu.

Đưa ra lời khuyên với các doanh nghiệp, theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, các doanh nghiệp dệt may cần đặc biệt nắm vững các quy định đối với hàng hóa xuất khẩu theo từng thị trường.

Những yêu cầu thường là về luật pháp, nhãn mác, ký mã hiệu và hệ thống quản lý nhằm mục tiêu đảm bảo vệ sinh, an toàn cho người tiêu dùng, an toàn cho môi trường tự nhiên và xã hội.

Dây chuyền thêu tự động trên sản phẩm may mặc của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Thái Nguyên). Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN

Chẳng hạn, những yêu cầu về tiếp cận thị trường liên quan tới xã hội, môi trường và chất lượng đang ngày càng quan trọng trong thương mại quốc tế và thường được các nhà nhập khẩu EU quy định dưới dạng nhãn hiệu, quy tắc hành xử và hệ thống quản lý.

Còn đối với thị trường Hoa Kỳ, dệt may luôn là một mặt hàng có vị trí quan trọng trong chính sách thương mại của nước này.

Nếu các doanh nghiệp dệt may trong nước không đáp ứng về tiêu chí về môi trường chắc chắn sẽ khó đưa được sản phẩm của mình ra thị trường thế giới.

Ông Đặng Vũ Hùng hy vọng tới đây sẽ có thêm nhiều hơn nữa những doanh nghiệp đạt được những tiêu chuẩn về môi trường bền vững để ngành dệt may Việt Nam trở thành điểm đến của những đối tác mạnh trên toàn cầu.

Dự kiến trong thời gian tới Tập đoàn Dệt May Việt Nam sẽ tập trung hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải, hệ thống cách nhiệt, tạo môi trường làm việc thông thoáng… nhằm đạt  mục tiêu đến năm 2020 có từ 30 - 40% doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn môi trường bền vững./.

Uyên Hương/Bnews/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục