Xây dựng chiến lược xuất khẩu sang khu vực Trung Đông và châu Phi

17:27' - 21/11/2017
BNEWS Các chuyên gia khuyến cáo các doanh nghiệp phải đánh giá lại chiến lược phát triển của mình để có thể đẩy mạnh xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Đông – châu Phi.
Hội thảo giới thiệu thị trường Trung Đông và châu Phi: Cơ hội giao thương và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nhằm tăng cường quảng bá, phổ biến thông tin thị trường và giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường cũng như xây dựng chiến lược thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Trung Đông và châu Phi, ngày 21/11, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức “Hội thảo giới thiệu thị trường Trung Đông và châu Phi: Cơ hội giao thương và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa”.

Theo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, khu vực Trung Đông – châu Phi (Bộ Công Thương), châu Phi đang được biết đến như một khối thị trường giàu tiềm năng có nhu cầu nhập khẩu tương đối cao, không đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng.

Việt Nam và các nước châu Phi có quan hệ hợp tác từ rất sớm và luôn coi trọng việc củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị.

Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 53/55 quốc gia ở khu vực này và kim ngạch hai chiều trong vòng 10 năm trở lại đây giữa Việt Nam và châu Phi có mức tăng trưởng rõ rệt.

Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi giai đoạn 2006-2016 tăng trưởng nhanh chóng từ 610 triệu USD năm 2006 lên 3,2 tỷ USD năm 2015 và 2,8 tỷ USD năm 2016.

Nhìn chung, trong cán cân thương mại với châu Phi thường xuất siêu trên 1 tỷ USD.

Đáng lưu ý, năm 2016 kim ngạch nhập khẩu của châu Phi đạt khoảng 480 tỷ USD. Dự báo đến năm 2020, châu Phi sẽ nhập khẩu khoảng 1.200 tỷ USD hàng hóa các loại.

Riêng với khu vực Trung Đông, năm 2016, kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 807 tỷ USD và đến năm 2020 dự kiến sẽ lên tới 1.500 tỷ USD.

Đây là khu vực có vị trí địa lý chiến lược quan trọng, tiếp giáp với cả ba châu lục châu Á, châu Âu và châu Phi.

Cùng đó, đây còn là địa bàn trung chuyển hàng hóa đi các khu vực xung quanh, đặc biệt Dubai hiện trở thành thị trường trung chuyển hàng hóa lớn thứ ba trên thế giới.

Do đó, trước thực tế các thị trường truyền thống của Việt Nam đang dần tiến đến độ bão hòa, việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới còn nhiều tiềm năng là một hướng đi đúng đắn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Bà Kgomotso Ruth Magau-Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam nhấn mạnh: Nam Phi và Việt Nam có nhiều điểm chung về điều kiện văn hóa, lịch sử, con người,… điều đó tạo nên sự gắn bó mật thiết giữa nhân dân hai nước.

Ngay cả nhu cầu sử dụng hàng Việt Nam của người tiêu dùng Nam Phi cũng ngày một gia tăng.

Điều này thể hiện qua việc Nam Phi nhập khẩu hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, giầy dép, quần áo may sẵn, đồ điện dân dụng, sản phẩm nhựa, hàng điện tử, thủ công mỹ nghệ, thủy sản,…

Tuy nhiên, dường như hai bên đều thiếu thông tin về cơ hội kinh doanh cũng như môi trường văn hóa xã hội. Không ai có thể nắm bắt được cơ hội nếu như không biết cơ hội đó đang tồn tại.

Vì vậy, đây là cơ hội để doanh nghiệp hai nước có điều kiện kết nối thông tin một cách đầy đủ, đáp ứng được thế mạnh của nhau góp phần củng cố niềm tin đồng thời tạo cơ hội chuyển giao công nghệ và giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn về hàng hóa.

Chia sẻ thêm thông tin về thị trường Trung Đông, ông Lý Quốc Thịnh, chuyên gia Vụ Thị trường châu Á-châu Phi cho biết, thị trường này gồm 15 quốc gia, đa số các nước trong khu vực có sự tương đồng về văn hóa và tôn giáo.

Khu vực Trung Đông có nhiều dầu mỏ và các tài nguyên khoáng sản khác, có hoạt động thương mại phát triển, sức mua lớn và khả năng thanh toán cao.

Do điều kiện lịch sử, tự nhiên (đất canh tác ít, địa hình sa mạc ít đồng bằng, thiếu nước), khí hậu nóng, khô, ít mưa, nhiều nước Trung Đông có ngành nông nghiệp, thủy sản chưa phát triển, các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng còn hạn chế, nên phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu để phục vụ tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên, với 40% dân số châu Phi theo đạo Hồi nên nhiều sản phẩm vấp phải các rào cản.

Điển hình như các sản phẩm giết mổ của Việt Nam khi xuất sang châu Phi phải phù hợp với các thủ tục quy định của đạo Hồi và phải có giấy chứng nhận Halal.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh về chất lượng cũng như giá cả với các mặt hàng xuất khẩu từ các nước trong khu vực cũng là rào cản lớn đối với các doanh nghiệp Việt.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo các doanh nghiệp phải đánh giá lại chiến lược phát triển của mình để có thể đẩy mạnh xúc tiến thương mại sang thị trường Đông Âu – châu Phi.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu kỹ về văn hóa và xã hội các nước Trung Đông - châu Phi để có những sản phẩm phù hợp, đáp ứng được yêu cầu đặc trưng từ thị trường.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về văn hóa và xã hội các nước Trung Đông - châu Phi để có những sản phẩm phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu đặc trưng từ thị trường.

Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đối phó với các rủi ro khi thực hiện hoạt động kinh doanh tại châu Phi và Trung Đông.

Bởi các doanh nghiệp châu Phi bị hạn chế về các dịch vụ tài chính, thường đề nghị phương thức mua hàng trả chậm, giao hàng tại cảng đến (CIF).

Không những thế, an ninh trật tự khiến nhiều hoạt động giao dịch giữa doanh nghiệp hai bên bị ngừng trệ.

Hơn nữa, là hiện tượng lừa đảo thương mại tại Tây Phi và Trung Phi mấy năm gần đây xuất hiện khá thường xuyên, gây tâm lý lo ngại cho một bộ phận doanh nghiệp.

Thủ tục hành chính của nhiều nước châu Phi chậm đổi mới, thủ tục còn rườm rà, quan liêu, giao thông bằng đường hàng không chưa phát triển cao cũng là những nguyên nhân gây cản trở hoạt động thương mại cho doanh nghiêp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục