Xây dựng cơ chế bảo vệ người tố cáo

15:01' - 20/04/2017
BNEWS Ngày 20/4, tại Hà Nội, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Phòng Phát triển Kinh tế và Quản trị Nhà nước, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi).

Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nhấn mạnh, Luật Tố cáo là đạo luật rất quan trọng được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ tháng 7/2012. Trên cơ sở pháp lý của đạo luật này, nhiều vụ việc sai phạm của các tổ chức, cá nhân đã được phát hiện, góp phần đưa hoạt động tố cáo và giải quyết tố cáo đạt nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, điều luật này vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa chặt chẽ như: Xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo; trình tự giải quyết tố cáo và tố cáo tiếp; tổ chức thi hành kết luận nội dung tố cáo, xử lý tố cáo…

Đặc biệt, theo Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, việc bảo vệ người tố cáo trong thời gian qua vẫn chưa thực sự được chú trọng; chưa tạo được cơ chế pháp lý cần thiết để bảo vệ người tố cáo một cách hiệu quả và thực chất.

Thông qua Hội thảo, ý kiến của các Luật sư uy tín sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng cơ chế bảo vệ, tạo niềm tin cho công dân Việt Nam sẵn sàng tố cáo những vi phạm trong quản lý nhà nước; đồng thời làm căn cứ xây dựng Luật Tố cáo (sửa đổi), trình Quốc hội thông qua. Bên cạnh đó, Hội Luật gia Việt Nam cũng lên án những cá nhân lợi dụng Luật Tố cáo để nêu ra những vấn đề không có thật, vu khống cho các tổ chức, cá nhân; cần có quy định xử lý nghiêm khắc.

Theo ông Michael Trueblood, Giám đốc Phòng Phát triển Kinh tế và Quản trị Nhà nước, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, mọi công dân đều có quyền tố cáo hành vi vi phạm của các cơ quan nhà nước trong quá trình thực thi công vụ. Ông Michael Trueblood cho hay, Luật Tố cáo (sửa đổi) không chỉ dỡ bỏ những rào cản về mặt pháp lý, mà còn tăng cường sự minh bạch của quy trình xử lý tố cáo, bảo vệ tốt hơn những người đứng ra tố cáo.

Tại Hội thảo, các Luật sư đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi), trong đó tập trung vào những quy định về quyền của người tố cáo và cơ chế bảo vệ người tố cáo. Theo các đại biểu, quyền tố cáo là quyền hiến định; là một trong những công cụ quan trọng để công dân đấu tranh chống tiêu cực, là kênh tiếp nhận nguồn thông tin của các cơ quan Nhà nước trong việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Thực tế cho thấy, hiện tượng tố cáo xảy ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, nhưng người tố cáo thường ở thế yếu. Nhiều trường hợp phát hiện ra tiêu cực, thậm chí liên quan trực tiếp đến quyền lợi của bản thân nhưng không dám tố cáo. Nguyên nhân chính là do quy định của pháp luật về bảo vệ người tố cáo còn hạn chế, bất cập, nhất là chưa có quy định về trình tự, thủ tục tiếp nhận, thụ lý và giải quyết yêu cầu bảo vệ người tố cáo.

Các đại biểu cho rằng, Luật Tố cáo (sửa đổi) cần bổ sung thêm những điểm mới như: Quy định cụ thể hơn nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ, lập hồ sơ bảo vệ người tố cáo; quy định về bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, nhân phẩm, uy tín, các quyền nhân thân của người tố cáo; xác định cụ thể hơn trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo trong suốt quá trình từ khi tiếp nhận thông tin đến khi giải quyết xong tố cáo…/.

>>> Đối thoại về chính sách quản lý, phát triển đô thị

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục