Xây dựng thành phố thông minh: Bài 1 - Xu thế tất yếu

20:26' - 27/11/2017
BNEWS Xu hướng phát triển đô thị thông minh đang tăng tốc rất nhanh bởi những tác động từ sự bùng nổ mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn trong vùng kinh tế phía Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Để xây dựng đô thị thông minh, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh thành phố đã đề ra lộ trình cụ thể và lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Bài 1: Xu thế tất yếu

Những năm gần đây, xu hướng phát triển đô thị thông minh đang tăng tốc rất nhanh bởi những tác động từ sự bùng nổ mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, hàng loạt các thế hệ công nghệ được cải tiến liên tục như kết nối số, dữ liệu lớn, Internet kết nối vạn vật (IOT)…

Để xây dựng đô thị thông minh, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh thành phố đã đề ra lộ trình cụ thể. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn trong vùng kinh tế phía Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Trong hơn một thập kỷ qua, nhiều quốc gia và thành phố lớn trên thế giới đã chuyển hướng sang việc ứng dụng các công nghệ thông tin và truyền thông như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, di động, mạng xã hội… để nâng cao năng lực thu thập, chia sẻ và phân tích dữ liệu phục vụ quản lý đô thị, phát huy hiệu quả nguồn lực con người, công nghệ để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, hình thành xu hướng xây dựng các đô thị thông minh.

Cùng với xu hướng này, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tổ chức xây dựng “Đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố thông minh “giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” và xác định đây là một trong các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của thành phố.

Theo nhận định của Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, việc triển khai xây dựng thành phố thông minh đóng vai trò là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất hỗ trợ thúc đẩy thành phố phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đẩy nhanh quá trình thu hẹp khoảng cách với các thành phố khác trong khu vực.

Đề án này hướng đến 4 mục tiêu: đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế tri thức, nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc, quản trị đô thị hiệu quả, tăng cường sự tham gia quản lý của người dân – phát huy trí tuệ nhân dân.

Đề án được xây dựng trên 4 nguyên tắc đó là: tầm nhìn chính xác, xuyên suốt và được sự đồng thuận cao; luôn thấu hiểu người dân; công nghệ là công cụ hỗ trợ phát triển và huy động mọi nguồn lực tham gia.

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, trung tâm tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của cả nước, được xếp hạng là một trong những thành phố năng động nhất thế giới.

Hiện thành phố có dân số chiếm 9,1% cả nước (gần 8,5 triệu người), đóng góp 28,6% tổng thu năm 2016 của quốc gia, xuất khẩu đạt 31,8 tỷ USD, chiếm 18% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Tuy nhiên, thực tế đến nay Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa thu hẹp được khoảng cách so với các thành phố lớn trong khu vực.

Khi so sánh với các đô thị khác trong khu vực Đông Nam Á về 2 tiêu chí quan trọng là năng lực cạnh tranh và chất lượng sống thì Thành phố Hồ Chí Minh đang đứng ở cuối bảng trong 12 thành phố, xếp sau Jakarta (Indonesia), Kuala Lumpur (Malaysia), Manila (Philippines)…

Bên cạnh đó, vị thế dẫn đầu của thành phố cũng đang trên đà suy giảm, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố trong vài năm qua có dấu hiệu tụt hạng so với các tỉnh, thành khác trong cả nước.

Những thách thức lớn mà thành phố đang đối điện là dân số cơ học tăng nhanh; kinh tế tăng nhanh nhưng chưa bền vững; việc quản trị đô thị trong đó bao gồm công tác dự báo, quy hoạch điều hành còn bất cập; chất lượng phục vụ người dân chưa tốt trong khi nhu cầu về giáo dục, y tế, giao thông, môi trường, hành chính công ngày càng cao…

Do đó, theo chính quyền thành phố, đây là cơ hội để thành phố tận dụng phát triển đô thị thông minh nhằm phát huy các thế mạnh, hỗ trợ tốt cho 7 chương trình đột phá của thành phố; người dân thành phố sẽ được hưởng các tiện ích như năng lượng chi phí thấp, giao thông công cộng tiện lợi, tương tác dễ dàng với chính quyền…

Để hoàn thành việc này, Thành phố Hồ Chí Minh cần xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu cho thành phố; trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội; trung tâm điều hành thông minh và thành lập trung tâm an toàn thông tin thành phố.

Với tầm nhìn lấy người dân làm trung tâm của đô thị, họ sẽ có chất lượng sống tốt, môi trường làm việc tốt và có thể tham gia vào quá trình giám sát và xây dựng thành phố hiệu quả hơn.

Nằm trong cực trọng điểm phát triển kinh tế phía Nam, cũng như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương hiện đang đối mặt với nhiều thách thức, tiềm ẩn nguy cơ phát triển không bền vững do việc gia tăng dân số cơ học ngày càng lớn.

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, xây dựng thành phố thông minh là bước đi tất yếu tạo điều kiện cho tỉnh hoạch định những chính sách ưu việt trong xây dựng và quản lý đô thị; phát triển các công nghiệp công nghệ cao; mang đến cho nhân dân cuộc sống tiện nghi, tốt đẹp, văn minh và hiện đại.

Tuy nhiên, để trở thành thành phố thông minh thì trong ngắn hạn Bình Dương phải phát triển thành thành phố công nghiệp hiện đại. Trong đó, lấy công nghiệp công nghệ cao, tinh thần khởi nghiệp làm trọng tâm.

Bài 2: Người dân, doanh nghiệp cùng tham gia

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục