Bình Dương hướng đến xây dựng thành phố thông minh

07:48' - 25/11/2017
BNEWS Xây dựng thành phố thông minh là một chương trình chiến lược đột phá về kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương đến năm 2021, tầm nhìn năm 2030.
Bình Dương hướng đến xây dựng thành phố thông minh. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Theo ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương: Thành phố thông minh có thể được hiểu là một hệ sinh thái năng động, sáng tạo, kết nối, trong đó tất cả các thành tố đều liên tục cải tiến, đổi mới và tối ưu hóa không ngừng.

Bình Dương xây dựng thành phố thông minh dựa trên bốn nền tảng chính là phát triển con người, phát triển doanh nghiệp, phát triển các cơ sở hạ tầng, mối quan hệ giữa nhà nước - nhà trường và doanh nghiệp.

Vì vậy, định hướng phát triển và xây dựng của đề án thành phố thông minh Bình Dương giai đoạn 2016 – 2021 hướng tới 4 lĩnh vực: con người (lực lượng lao động), công nghệ (nghiên cứu và phát triển), cộng đồng doanh nghiệp (doanh nghiệp và quan hệ doanh nghiệp), cơ sở hạ tầng và chất lượng sống của người dân.

Để đề án đi vào hoạt động nhanh chóng và mang lại hiệu quả cao, tỉnh Bình Dương tham khảo mô hình hợp tác “ba nhà” từ đề xuất của các chuyên gia Hà Lan. Theo đó, trường đại học tạo ra các ý tưởng mới, doanh nghiệp là chủ sở hữu của các sản phẩm công nghệ mới, chính quyền hỗ trợ kinh phí thực hiện các ý tưởng và khởi nghiệp.

Ông Mai Hùng Dũng cho biết: Trong bối cảnh và cơ chế như hiện nay, việc xây dựng tỉnh Bình Dương trở thành đô thị thông minh là một tiến trình mới mẻ, chưa có tiền lệ với nhiều cơ hội và thách thức; trong đó, vấn đề nguồn nhân lực đang là một thách thức.

Bình Dương chú trọng phát triển nhân tố con người nhằm có những ý tưởng hay để ứng dụng vào thực tiễn, chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo nền tảng vững chắc giúp hiện thực hóa mô hình thành phố thông minh.

Do vậy, trong quá trình xây dựng thành phố thông minh, Bình Dương tập trung vào hướng phát triển hệ thống giáo dục-nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện tốt nhất để thúc đẩy khởi nghiệp, thu hút và kết nối thêm nhiều doanh nghiệp sản xuất kỹ thuật cao làm đòn bẩy cho các hạng mục đầu tư của tỉnh, đồng thời sáng tạo và ứng dụng khoa học kỹ thuật để hình thành thêm nhiều địa bàn cư trú và làm việc tiện nghi, văn minh hiện đại cho người dân và doanh nghiệp.

Quá trình triển khai xây dựng thành phố thông minh nhằm hướng đến một nền kinh tế có giá trị gia tăng cao hơn. Để tiếp tục gia tăng GDP trong ngành công nghiệp và dịch vụ trong tương lai, tỉnh Bình Dương đang tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào tri thức và công nghệ, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng phát triển các ngành có lợi thế so sánh, giá trị gia tăng cao, từng bước giảm tỷ trọng các ngành gia công, sơ chế; phát triển công nghiệp chế tạo, hàm lượng kỹ thuật cao, tiết kiệm năng lượng; thúc đẩy dịch vụ chất lượng cao gắn với phát triển công nghiệp, đô thị…

Hiện nay, Bình Dương đang tiến hành xây dựng các phòng thực nghiệm công nghệ, trung tâm công nghệ nghiên cứu thông minh, tạo ra cơ sở dữ liệu chuỗi cung ứng; phát triển ngành công nghiệp chất bán dẫn… để tạo nền tảng căn bản cho việc xây dựng thành phố thông minh.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, ba đối tượng chính được phục vụ trong thành phố thông minh là chính quyền - doanh nghiệp - người dân. Trong đó, người dân được hưởng thụ cuộc sống đáng sống với các tiện ích như dịch vụ công trực tuyến, được hưởng nền giáo dục thông minh, cơ hội việc làm, thăng tiến, giải trí đa phương tiện, được chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an sinh xã hội...

Đối với doanh nghiệp là môi trường khởi nghiệp năng động, tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh doanh, thủ tục thuận tiện, tiếp cận dễ dàng đến đối tượng khách hàng. Đột phá đối với chính quyền là giảm tải thủ tục hành chính công, xử lý các vấn đề khủng hoảng nhanh chóng, tạo ra niềm tin nơi chính quyền, đảm bảo phát triển thành phố bền vững, duy trì môi trường tự nhiên, sử dụng hiệu quả hạ tầng, qua đó giúp giảm chi phí cho người dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục