Xây dựng thành phố thông minh: Bài 2 - Người dân và doanh nghiệp cùng tham gia

09:04' - 28/11/2017
BNEWS Xây dựng thành phố thông minh không chỉ là giải pháp điều hành thông minh mà còn là thị trường rất lớn để phát triển công nghiệp thu hút sự tham gia của doanh nghiệp và người dân.
Xây dựng đô thị thông minh trên nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nên yếu tố con người rất quan trọng. Ảnh minh họa: TTXVN

Việt Nam mới ở giai đoạn đầu của phát triển thành phố thông minh, còn nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp tận dụng công nghệ để phát triển, cung cấp cho người dân những giải pháp tốt hơn.

Xây dựng thành phố thông minh không chỉ là giải pháp điều hành thông minh mà còn là thị trường rất lớn để Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác phát triển công nghiệp thu hút sự tham gia của doanh nghiệp và người dân.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, xây dựng thành phố thông minh cần phải có lộ trình. Nhưng điều quan trọng là phải xây dựng trên nền tảng giáo dục. Trong 7 chương trình đột phá của thành phố có chương trình phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Mục tiêu kinh tế đặt ra như vậy, thành phố xây dựng đô thị thông minh trên nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nên yếu tố con người rất quan trọng.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, phát triển thành phố thông minh là một quá trình lâu dài, cần có một chiến lược xuyên suốt trong dài hạn, huy động được sức người và sức của cả thành phố. Thành phố thông minh cần được hiểu là làm cho tổ chức xã hội đô thị thông minh hơn.

Thông minh hơn không chỉ dựa vào công nghệ kết nối và tính toán hay kiểm soát mà còn là cả hệ thống quản trị với sự tương tác của các bên tham gia với mục tiêu cao nhất là phục vụ con người.

Về lâu dài, Thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung phát triển yếu tố hệ thống quản trị có tính liên minh và tận dụng được tối đa nguồn lực xã hội trong quá trình phát triển.

Thiết kế kiến trúc của thành phố thông minh cần đa dạng và phải đáp ứng đặc biệt cho các khu vực khí hậu và tài nguyên khác nhau. Công trình xây dựng sẽ thích nghi và phù hợp với tự nhiên hơn, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.

Thạc sỹ Vũ Thanh Tùng, giảng viên trường Đại học Tài chính marketing Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố cần chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vì đây là nền tảng vững chắc giúp hiện thực hóa mô hình thành phố thông minh.

Bởi việc nắm bắt và sử dụng công nghệ mới là yếu tố làm nên một thành phố thông minh, chứ không phải bản thân công nghệ đó. Để nắm bắt được điều đó nên tập trung đầu tư vào chất xám, chú trọng phát triển nhân tố con người nhằm có những ý tưởng hay để ứng dụng vào thực tiễn.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Phó ban điều hành Đề án đô thị thông minh cho rằng, đô thị thông minh mà thành phố đang xây dựng sẽ ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ với bộ máy hành chính (nâng cao công tác quản lý điều hành) mà còn với mọi lĩnh vực đời sống, xã hội liên quan trực tiếp đến người dân.

Vì vậy, thành phố đang khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia đề án đô thị thông minh.

Cụ thể, việc quản trị đô thị sẽ dần chuyển từ trạng thái bị động sang chủ động, thay vì chỉ phản ứng khi xảy ra sự cố, bức xúc của người dân. Chính quyền có thể sử dụng công cụ thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn cùng các công cụ phân tích… để chiết xuất thông tin, tiên lượng các vấn đề có thể xảy ra, xây dựng các chiến lược phát triển và kịch bản ứng phó phù hợp.

Trong lĩnh vực giải quyết thủ tục hành chính, đô thị thông minh sẽ giúp người dân, doanh nghiệp “chỉ ở nhà nộp hồ sơ, thanh toán chi phí qua Internet…” rồi ngồi chờ kết quả thông qua bưu điện.

Không chỉ dừng lại ở việc quản lý hành chính, đô thị thông minh còn giải quyết các vấn đề thiết thực trong mọi mặt đời sống như: quản lý giao thông, đô thị, môi trường, y tế, du lịch… Kiến tạo môi trường hoạt động minh bạch, đơn giản, chính xác; tạo ra kênh kết nối phản hồi thông tin để giúp các tổ chức xã hội tham gia hiệu quả hơn vào quá trình cung cấp các dịch vụ cho đô thị.

Với chính quyền thành phố, đô thị thông minh sẽ đáp ứng nhu cầu dự báo phát triển kinh tế chính xác hơn, việc kết nối chia sẻ dữ liệu thông tin nhằm gia tăng hiệu quả điều hành trên mọi lĩnh vực hoạt động.

Cũng theo ông Tuyến, khi triển khai một dự án, thành phố đều nhận thức được rằng cần phải có ý kiến của người dân trong suốt quá trình xây dựng, nghiệm thu đề án. Bởi mặc dù đây là công nghệ, nhưng bản chất vẫn là sự tương tác giữa chính quyền với người dân, người dân với doanh nghiệp, doanh nghiệp với chính quyền.

Thành phố đang xây dựng tiêu chí đánh giá đô thị thông minh và sẽ chọn một số quận làm thí điểm trong quá trình xây dựng đề án. Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh có nguồn nhân lực công nghệ thông tin lớn nhất cả nước, đồng thời là thị trường lớn để các doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông tận dụng cơ hội để phát triển, đóng góp vào xây dựng đô thị thông minh.

Là một đô thị trẻ năng động, nằm trong khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương cũng đang bắt tay xây dựng đô thị thông minh theo một hướng khác hơn.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt Long, Giám đốc Văn phòng Thành phố thông minh tỉnh Bình Dương, đô thị thông minh Bình Dương là tạo hệ sinh thái năng động, sáng tạo, kết nối, hợp tác với nhau, người dân được phát huy sự sáng tạo và năng động.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã chính thức phê duyệt Đề án xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương tại Quyết định 3206/QĐ-UBND với những bước đi rõ ràng.

Thành phố thông minh Bình Dương sẽ là một trong 21 khu vực thông minh tiêu biểu trên thế giới và sẽ được diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF) công nhận vào năm 2021. Cách tiếp cận là vừa học vừa làm và cải thiện, Bình Dương đang áp dụng mô hình thành công của Hà Lan là liên kết 3 nhà: nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà đào tạo.

Theo ông Long, dù có khó khăn nhưng quan trọng nhất là sự thống nhất của lãnh đạo để mọi người hiểu đô thị thông minh là xu thế tất yếu của thời đại.

Xu thế phát triển thành phố thông minh trên thế giới được cho là tất yếu trong khi mô hình xây dựng thành phố thông minh tại Việt Nam chưa định hình, chưa có kinh nghiệm xây dựng.

Do đó, còn rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu, cần sự tham gia của các cấp lãnh đạo và cả người dân để có sự đánh giá đa chiều. Và chắc chắn trong tương lai gần Việt Nam sẽ có những “điểm sáng” về đô thị thông minh./.

>>> Xây dựng thành phố thông minh: Bài 1 - Xu thế tất yếu

>>> Bình Dương hướng đến xây dựng thành phố thông minh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục