Xe buýt nhanh – Lời giải cho bài toán giao thông Hà Nội

17:34' - 07/09/2015
BNEWS Với các ưu điểm vượt trội, xe buýt nhanh được nhiều thành phố lớn trên thế giới sử dụng để đối phó với tình trạng ùn tắc giao thông. Ở Việt Nam, Hà Nội là thành phố đi đầu trong việc vận dụng BRT.

Xe buýt nhanh (BRT) là một loại hình giao thông công cộng sử dụng xe buýt có làn đường riêng và hệ thống giao thông ưu tiên nhằm tạo ra tốc độ di chuyển nhanh hơn và tần suất vận tải lớn hơn. Với các ưu điểm vượt trội so với các phương tiện giao thông khác, BRT đang được nhiều thành phố lớn trên thế giới sử dụng để đối phó với tình trạng ùn tắc giao thông.

Mô hình xe buýt nhanh ở Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Ở Việt Nam, Hà Nội là thành phố đi đầu trong việc vận dụng BRT để giải quyết bài toán giao thông công cộng. Tháng 2/2013, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hà Nội đã khởi công dự án xây dựng tuyến BRT đầu tiên. Cho đến nay, các hạng mục xây lắp chính của dự án đã cơ bản được hoàn thành. Theo dự kiến, tuyến BRT sẽ được đưa vào chạy thử vào tháng 6/2016. Cùng với đường sắt trên cao, đây sẽ là sự bổ sung hoàn hảo cho hệ thống giao thông công cộng ở thủ đô.

Sự khác biệt của BRT

Ý tưởng về BRT xuất phát từ Rio De Janeiro (Brazil) nhưng hệ thống BRT đầu tiên trên thế giới lại được xây dựng tại thành phố Curitiba (Brazil) vào năm 1974. Chỉ vài năm sau khi được đưa vào hoạt động, BRT đã trở thành phương tiện giao thông công cộng chủ chốt ở Curitiba với số lượng người sử dụng không ngừng tăng lên. Hiện nay, Curitiba BRT đang đáp ứng nhu cầu đi lại cho hơn 85% dân số ở thành phố này.

Sau khi Curitiba áp dụng thành công mô hình BRT để giải quyết bài toán giao thông công cộng, nhiều thành phố lớn, có mật độ dân cư cao trên thế giới như Bắc Kinh và Quảng Châu (Trung Quốc), Bogota (Columbia), Jarkarta (Indonesia) hay Bangkok (Thái Lan) đã áp dụng mô hình BRT của Curitiba. Đến nay, có ít nhất 80 thành phố trên toàn thế giới đã xây dựng hệ thống BRT.

New York là một trong những thành phố trên thế giới đã áp dụng BRT. Ảnh: http://untappedcities.com

Vậy điều gì khiến cho BRT trở nên phổ biến như vậy ở trên thế giới? Theo các chuyên gia, so với các phương tiện giao thông công cộng khác như tàu hỏa hay tàu điện ngầm và thậm chí cả taxi, BRT có suất đầu tư thấp hơn rất nhiều, thời gian xây dựng nhanh và giá vé rẻ. Bên cạnh đó, với sức chứa lớn và hệ thống vận hành linh hoạt, BRT có lưu lượng chuyên chở rất cao, góp phần hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và giảm tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.

Mặt khác, nhờ sử dụng làn đường riêng và hệ thống giao thông ưu tiên, BRT có tốc độ di chuyển tương đối cao và an toàn hơn so với taxi hay xe buýt thông thường. Tại các thành phố đông dân, BRT thường đạt tốc độ từ 15-25km/h vào giờ cao điểm. Riêng tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, tốc độ cao nhất trong giờ cao điểm của BRT lên tới 35 km/h.

Đáng chú ý, một số thành phố đã kết hợp giữa BRT và các phương tiện giao thông công cộng khác để giảm thiểu việc sử dụng phương tiện cá nhân, đồng thời góp phần giảm ùn tắc giao thông. Chẳng hạn, tại Hàng Châu (Trung Quốc), bất cứ trạm BRT nào cũng được kết nối với bãi xe đạp chia sẻ. Sau khi xuống xe, hành khách có thể thuê ngay một chiếc xe đạp gần đó để đi học hoặc đi làm. Chính quyền thành phố đã áp dụng mức phí rất thấp nhằm khuyến khích người dân sử dụng BRT và xe đạp để bảo vệ môi trường.

Sự bổ sung hoàn hảo

Nhận thức rõ ưu điểm của BRT, tháng 5/2007, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định 1837/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án phát triển giao thông đô thị thủ đô, trong đó có dự án BRT (Hanoi BRT). Đây là bước đi quan trọng nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông đô thị, nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng của TP. Hà Nội. Cùng với dự án đường sắt đô thị, BRT sẽ là sự bổ sung hoàn hảo cho hệ thống giao thông công cộng của thành phố.

Tháng 2/2013, tuyến BRT đầu tiên đã được thí điểm xây dựng trên trục Kim Mã - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Yên Nghĩa (Hà Đông) với chiều dài 14,7 km. Tuyến BRT này đi trên một làn đường riêng, có chiều rộng 3,5m, tách biệt với làn đường dành cho phương tiện hỗn hợp bằng một dải phân cách.

Trên các BRT đều có gắn thiết bị định vị để kết nối thông tin với Trung tâm Điều hành Giao thông ở bến xe Kim Mã nhằm cập nhật, giải quyết các sự cố có thể phát sinh trên hành trình. Đèn tín hiệu tại các nút giao thông mà BRT đi qua sẽ được tích hợp với hệ thống trên xe và Trung tâm Điều hành Giao thông để ưu tiên xe buýt này đi qua.

Hanoi BRT sẽ là hệ thống xe buýt chất lượng cao, không gian sạch sẽ. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Theo dự kiến, tuyến BRT đầu tiên của Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng sẽ bắt đầu chạy thử từ tháng 6/2016, với tần suất 3-5 phút/chuyến, lưu lượng chuyên chở 90 hành khách/chuyến và tốc độ di chuyển 20-22 km/giờ.

Theo Ban Quản lý Dự án Phát triển Giao thông Đô thị Hà Nội – đơn vị quản lý và thực hiện dự án Hanoi BRT, cùng với các ưu điểm giống như các hệ thống BRT khác trên thế giới như tốc độ nhanh, hiệu suất vận chuyển cao và tiết kiệm thời gian đi lại cho hành khách…, Hanoi BRT có những ưu điểm vượt trội khác.

Với thông điệp “Cuộc sống văn minh”, Hanoi BRT sẽ là hệ thống xe buýt chất lượng cao, không gian sạch sẽ, hệ thống soát vé tự động sử dụng thẻ từ và dịch vụ hỗ trợ văn minh. Đặc biệt, việc đưa vào sử dụng hệ thống sàn xe phẳng, bằng với cốt nền của nhà chờ xe buýt sẽ giúp hỗ trợ cho người đi xe lăn có thể di chuyển vào xe.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng để đảm bảo hiệu quả của dự án BRT, Sở GTVT TP. Hà Nội cần nghiên cứu xây dựng BRT trên các tuyến có nhu cầu đi lại cao và có hạ tầng phù hợp với BRT như trung tâm Hà Nội và sân bay Nội Bài./.

Thanh Tùng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục