Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm mạnh

12:39' - 28/11/2016
BNEWS Theo Bộ NN&PTNT, thị trường xuất khẩu gạo hiện đang hết sức khó khăn. Trong 11 tháng năm 2016, xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm 25% về khối lượng và giảm 20,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh: Đình Huệ-TTXVN
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng gạo xuất khẩu tháng 11 ước đạt 353.000 tấn với kim ngạch xuất khẩu đạt 156 triệu USD, đưa lượng xuất khẩu gạo 11 tháng ước đạt 4,54 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2015, 11 tháng năm 2016 xuất khẩu gạo giảm 25% về khối lượng và giảm 20,3% về giá trị. 

Tình hình xuất khẩu gạo vẫn tắc do thiếu vắng nhu cầu nhập khẩu lớn. Bởi, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước không đạt kế hoạch kinh doanh do thị trường lúa gạo liên tục rơi vào tình trạng ảm đạm, cung lớn hơn cầu. Trung Quốc là thị trường chính và tiềm năng của xuất khẩu gạo Việt Nam với 36% thị phần, nhưng hiện đã hết hạn ngạch nhập khẩu chính ngạch. 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đánh giá, thị trường xuất khẩu gạo hiện đang hết sức khó khăn. Thứ trưởng yêu cầu Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối nhanh chóng tổ chức đoàn sang tìm hiểu khó khăn cũng như xúc tiến thương mại tại thị trường Philippines để đẩy nhanh xuất khẩu gạo sang thị trường này. Đồng thời, tiếp tục “mở đường” xuất khẩu gạo sang Trung Quốc. 

Trong 10 tháng năm 2016, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt 1,51 triệu tấn với giá trị 678,7 triệu USD, giảm 22,5% về khối lượng và giảm 13,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Gana là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam với 11,5% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 442.200 tấn với giá trị 217,1 triệu USD, tăng 38,6% về khối lượng và tăng 33,3% về giá trị. Đáng chú ý là thị trường Indonesia – thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 4 của Việt Nam đã có sự tăng mạnh (53,5%). 

Giống thị trường Trung Quốc, nhiều thị trường khác có giá trị giảm mạnh như Philippines (61,6%), Malaysia (51,5%), Singapore (34,1%), Bờ Biển Ngà (29,1%), Hoa Kỳ (28,3%)… 

Trong tháng 11/2016, giá lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có sự biến động trái chiều, với xu hướng tăng nhẹ chiếm ưu thế. Tại An Giang, lúa IR50404 giảm từ 4.500 đồng/kg xuống còn 4.200 đồng/kg; lúa chất lượng cao OM 2514, OM 1490 ổn định ở mức 4.700 đồng/kg. Ở Vĩnh Long, lúa IR50404 vẫn giữ ở mức 5.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại Bạc Liêu, giá thu mua lúa chủng loại OM của công ty lương thực tỉnh tăng nhẹ 100 đồng/kg. Tại Kiên Giang, giá lúa tiếp tục tăng mạnh do nhu cầu tiêu thụ tăng trở lại, với lúa thường tăng mạnh từ 4.400 đồng/kg lên 5.200 đồng/kg; lúa dài tăng từ 5.500 đồng/kg lên 5.900 đồng/kg./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục