Xuất khẩu sa sút khiến kinh tế Singapore giảm tốc

13:30' - 21/04/2016
BNEWS Xuất khẩu giảm sút là nguyên nhân khiến kinh tế Singapore chỉ đi ngang trong quý I/2016 và kém xa mức tăng 6,2% của quý IV/2015.
Xuất khẩu sa sút khiến kinh tế Singapore giảm tốc. Ảnh: bloomberg.com

Theo ước tính của MTI, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore, trong quý I/2016 nền kinh tế của nước này tăng trưởng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Và mặc dù mức tăng này đã vượt kỳ vọng của giới doanh nghiệp tư nhân trong một khảo sát trước đó (1,6%), song trên cơ sở tính theo mùa, nền kinh tế chỉ đi ngang và kém xa mức tăng 6,2% của quý IV/2015.

Các chuyên gia nhận định xu hướng chững lại của tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ kéo dài và dự kiến sẽ chỉ ở mức 1,9% trong năm 2016. Năm ngoái nền kinh tế Singapore chỉ tăng 2%, mức thấp nhất kể từ năm 2009.

Nguyên nhân là do xuất khẩu của “đảo quốc Sư tử” trong những tháng đầu năm liên tục giảm sút mạnh.

Xuất khẩu nội địa phi dầu mỏ (NODX) của nước này giảm 9,9% và 15,6% trong tháng Một và tháng Ba, trong khi chỉ tăng nhẹ 2,1% trong tháng Hai. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu trong tháng cuối cùng của quý I có mức giảm mạnh nhất trong vòng hơn ba năm qua, kể từ tháng 2/2013.

Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất cũng giảm 2% trong quý đầu tiên, do sự suy giảm về sản lượng trong lĩnh vực giao thông vận tải, cơ khí, điện tử... Chính điều này đã dẫn đến chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của Singapore trong ba tháng đầu năm luôn ở dưới mức 50 điểm, ngưỡng cho thấy các điều kiện kinh doanh giảm sút mạnh và không có dấu hiệu cải thiện.

Tăng trưởng của nền kinh tế chững lại trong quý đầu tiên đã khiến Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (Ngân hàng Trung ương-MAS) phải có quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ theo hướng định giá đồng SGD "yếu" so với các đồng tiền của những đối tác thương mại lớn. Động thái này được cho là sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của “đảo quốc” trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, các nhà phân tích dự đoán triển vọng xuất khẩu của Singapore còn yếu trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu mờ nhạt đồng thời nhấn mạnh rằng sự phục hồi bền vững hơn vẫn sẽ phụ thuộc vào yếu tố này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục