Xuất khẩu sang thị trường Nam Mỹ tăng trưởng 30 - 40%/năm

14:56' - 24/05/2017
BNEWS Với quy mô dân số trên 600 triệu người và tổng GDP đạt trên 6.000 tỷ USD, Nam Mỹ là khu vực thị trường có những tiềm năng lớn để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư kinh doanh.
Xuất khẩu sang thị trường Nam Mỹ tăng trưởng 30 - 40%/năm. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Ngày 24/5, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương ) tổ chức Hội thảo “Xúc tiến thương mại sang thị trường Nam Mỹ”. Hội thảo nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam cập nhật thông tin thị trường, cơ chế chính sách liên quan đến phát triển kinh doanh với một số quốc gia khu vực Nam Mỹ.
Tại hội thảo, ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Nam Mỹ là một điểm sáng với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 30% đến 40%.

Nhiều sản phẩm của Việt Nam được ưa chuộng, có khả năng cạnh tranh cao, phù hợp với khả năng thanh toán của thị trường.
Với quy mô dân số trên 600 triệu người và tổng GDP đạt trên 6.000 tỷ USD, Nam Mỹ là khu vực thị trường có những tiềm năng lớn để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư kinh doanh.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, doanh nghiệp còn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức khi thâm nhập vào khu vực thị trường này như khoảng cách địa lý, chi phí vận tải, khác biệt về văn hóa, thể chế pháp luật...
Cán cân thương mại giữa Việt Nam và khu vực Mỹ Latinh tương đối cân bằng, năm 2014 xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực đạt 4,71 tỷ USD, tăng 36,8% so với năm trước. Ngược lại nhập khẩu của Việt Nam từ Mỹ Latinh đạt 4,8 tỷ USD, tăng 44,9%.
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Mỹ Latinh gồm các sản phẩm giầy dép, thủy sản, gạo, sản phẩm dệt may, cà phê, sản phẩm nhựa, thiết bị linh kiện điện tử, tin học máy móc…
Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ khu vực Mỹ Latinh nguyên liệu dệt may, da giầy, giấy, phế liệu, chất deở nguyên liệu, thức ăn gia súc và nguyên liệu, đậu tương, bông các loại…
Ông Trần Đình Văn, Nguyên Tham tán thương mại Việt Nam tại Chile cho biết, Chile là một trong những quốc gia có nền kinh tế mở hàng đầu thế giới, họ thiên về xu hướng bảo hộ người tiêu dùng.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Chile chịu sự cạnh tranh lớn từ các nước trong khu vực và từ châu Á. Giá hàng hóa nhập khẩu là yếu tố cơ bản nhất trong sự lựa chọn của Chile.
Ông Trần Đình Văn cũng lưu ý tới các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm sang Chile phải là loại có chất lượng trung bình khá trở lên. Hàng giá rẻ các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Peru.

Nếu doanh nghiệp của Chile không tiếp tục nhập hàng của doanh nghiệp Việt Nam nữa thì là do họ tìm được nguồn cung ứng ở nước khác với giá rẻ hơn chứ không phải vì chất lượng hoặc các vấn đề khác.
Trong năm 2016, dù trao đổi thương mại của Chile với thế giới tiếp tục giảm, nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang Chile vẫn tăng trưởng ấn tượng do hàng hóa của Việt Nam ngày càng cạnh tranh tốt hơn trên thị trường sở tại.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Chile hiện đã vượt Ấn Độ và Thái Lan và trở thành nước xuất khẩu nhiều nhất trong nhóm các nước ASEAN, xếp thứ 9 trong số các nước xuất khẩu vào Chile.
Việt Nam - Chile đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA), có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, có đề cập tới 9.000 dòng sản phẩm. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Chile, một thị trường nhiều tiềm năng.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm này thương mại hàng hóa giữa hai nước mới gói gọn trong khoảng 100 sản phẩm, vẫn còn rất nhiều dư địa cho sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục