10 đầu việc cần làm ngay để ngành chăn nuôi không thua trên "sân nhà"

15:56' - 21/08/2015
BNEWS Ngày 20/8, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã yêu cầu Cục Chăn nuôi và Cục Thú y phải đề ra 10 đầu việc phải làm ngay để nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi gà Việt Nam.

Tại hội nghị Phát triển chăn nuôi gà giai đoạn 2015-2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 20/8 ở Hà Nội, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, cho rằng khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi gà còn thấp, đang đứng trước nguy cơ cao, cần có giải pháp gấp để không bị thua ngay trên sân nhà.

Hội nghị Phát triển chăn nuôi gà giai đoạn 2015-2020. Ảnh: Bích Hồng/TTXVN

Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu Cục Chăn nuôi và Cục Thú y phải đề ra 10 đầu việc phải làm ngay để nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi gà Việt Nam, đồng thời tăng cường kiểm soát chất cấm, kháng sinh; tiếp tục rà soát để cắt giảm các loại phí, lệ phí; kiểm soát tốt việc nhập khẩu, xây dựng hàng rào kỹ thuật phù hợp với thông lệ quốc tế và tích cực đàm phán, mở cửa thị trường cho sản phẩm chăn nuôi.

Theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, hiệu quả chăn nuôi gà Việt Nam còn thấp; chi phí thức ăn cao. Theo đó, lượng tiêu tốn thức ăn chăn nuôi thả rông cao, khoảng 3,3 kg cho 1 kg tăng trọng, thời gian nuôi dài khoảng 110 ngày; trong khi chăn nuôi bán công nghiệp tiêu tốn thức ăn khoảng 2,8 kg cho 1 kg tăng trọng, thời gian nuôi khoảng 90-110 ngày.

Cùng với đó, năng suất chất lượng con giống trong sản xuất chăn nuôi nhìn chung đều thấp; chất lượng giống của một số cơ sở giống không đảm bảo chất lượng, trừ một số doanh nghiệp lớn như Dabaco, CP… vì vậy, khả năng tiêu tốn thức ăn cao.

Ông Hoàng Thanh Vân cho rằng, giá thức ăn tại Việt Nam ở mức trung bình so với các nước nhưng giá giống gà vẫn ở mức cao nên chi phí sản xuất Việt Nam cũng cao hơn. Bên cạnh đó, việc liên kết sản xuất còn chưa hoàn chỉnh, chưa gắn sản xuất với giết mổ, chế biến với thị trường, giá cả phụ thuộc vào thương lái.

Một hộ chăn nuôi gà tại Bắc Giang. Ảnh: Trang Nhung/TTXVN

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi cũng đánh giá, hiệu quả chăn nuôi trong nông hộ quá thấp đã đẩy giá thành lên cao gấp 1,5 lần. Ngành gà vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giống (vẫn phải nhập kể cả tương lai gần và xa), thức ăn (phần lớn nguyên liệu đều nhập khẩu), thuốc thú y (người chăn nuôi thích sử dụng thuốc ngoại hơn thuốc nội vì giá rẻ và chất lượng hơn)...

Cũng tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng công tác làm giống chưa tốt thì chưa thể giảm chi phí được. Hiện người sản xuất là nông hộ nhận thức về giống còn thấp, vẫn sử dụng con thương phẩm làm giống, vì vậy, cần giảm lượng tiêu tốn thức ăn xuống dưới 1,8 kg cho 1 kg tăng trọng; khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu một số sản phẩm chăn nuôi.

Theo ông Hoàng Thanh Vân, các đơn vị chức năng cần tăng cường chọn giống có chất lượng cao phù hợp với từng vùng, khuyến khích xây dựng thương hiệu giống; kiểm soát chặt chẽ các cơ sở ấp trứng gia cầm, chấm dứt tình trạng sử dụng con thương phẩm giống.

Bên cạnh đó, củng cố phát triển các hình thức liên kết chăn nuôi giữa các doanh nghiệp và trang trại; khuyến khích hình thức chăn nuôi gia công giữa các chủ trang trại và các doanh nghiệp chăn nuôi, sản xuất thức ăn, giết mổ, chế biến và xuất khẩu thịt.

Theo Cục Chăn nuôi, tổng đàn gia cầm nói chung trong những năm vừa qua có xu hướng tăng liên tục, bình quân 4,45%/năm, sản lượng thịt gia cầm cũng tăng bình quân 9,31%/năm. Tổng sản lượng thịt gia cầm các loại năm nay dự kiến đạt 826.000 tấn./.

Bích Hồng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục