2 tháng, xuất khẩu hàng hóa tăng 10,2%

11:01' - 28/02/2022
BNEWS Tính chung 2 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 108,52 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu tăng 10,2%; nhập khẩu tăng 15,9% .

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 28/2 cho thấy, tháng 2/2022 có số ngày làm việc ít hơn tháng 1/2022 nên tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2022 giảm 20% so với tháng trước, ước đạt 48,2 tỷ USD. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2022 vẫn tăng 17,6%.

Tính chung 2 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 108,52 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu tăng 10,2%; nhập khẩu tăng 15,9% .

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2/2022 ước đạt 22,95 tỷ USD, giảm 25,6% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 5,65 tỷ USD, giảm 34,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 17,3 tỷ USD, giảm 22,1%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2/2022 tăng 13,2%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 20,3%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 11,1%. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 53,79 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê chỉ ra, trong 2 tháng đầu năm 2022 có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 71,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2022, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1%. Nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89,4%; nhóm hàng thủy sản chiếm 2,7%; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,9%, bằng cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2022 ước đạt 25,28 tỷ USD, giảm 14,2% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,28 tỷ USD, giảm 17%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 17 tỷ USD, giảm 12,7%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2022 tăng 21,9%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 22,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 21,4%. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 54,73 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 2 tháng đầu năm 2022 có 13 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 71,6% tổng kim ngạch nhập khẩu. Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,8%; trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 46,6%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 47,2%; nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,2%.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 18,3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,8 tỷ USD.

Xuất siêu sang EU ước đạt 5,5 tỷ USD, tăng 56,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang Nhật Bản 566 triệu USD (cùng kỳ năm 2021, nhập siêu 237 triệu USD); nhập siêu từ Trung Quốc 13,4 tỷ USD, tăng 78,8%; nhập siêu từ Hàn Quốc 6,5 tỷ USD, tăng 24,4%; nhập siêu từ ASEAN 1,5 tỷ USD, giảm 18,1%.

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 2/2022, ước tính nhập siêu 2,34 tỷ USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính nhập siêu 937 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,6 tỷ USD); trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,96 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 3,02 tỷ USD.

Mới đây, Bộ Công Thương cho biết, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã và đang gây ra ảnh hưởng tiêu cực cho chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu; trong đó, có khâu vận tải và giao nhận. Tại nhiều cảng biển, hàng hóa phải chờ thông quan nhiều ngày, dẫn đến chậm trễ trong việc giao hàng và từ đó là rủi ro cho khâu thanh toán, nhất là với những hợp đồng xuất khẩu chấp nhận hình thức thanh toán T/T (chuyển tiền sau khi giao hàng).

Xuất phát từ đây, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu lưu ý áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong khâu thanh toán khi giao kết hợp đồng với khách hàng nước ngoài trong thời gian tới.

Các phương thức thanh toán an toàn như thư tín dụng không hủy ngang (Irrevocable Letter of Credit) nên được xem xét áp dụng để thay cho các phương thức kém an toàn hơn. Cùng với đó, uy tín cũng như khả năng thanh toán quốc tế của các ngân hàng thanh toán cũng cần được xem xét và cân nhắc một cách thấu đáo trước khi giao kết hợp đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục