20 năm Việt Nam gia nhập APEC: Những dấu ấn đậm nét

19:45' - 19/11/2018
BNEWS 20 năm qua, Việt Nam luôn là một thành viên năng động, trách nhiệm, đóng góp tích cực và hiệu quả vào sự phát triển của Diễn đàn trên tất cả các lĩnh vực hợp tác.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2018 ở Papua New Guinea. Ảnh: THX/TTXVN
Chính thức trở thành thành viên của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) từ tháng 11-1998, 20 năm qua, Việt Nam luôn là một thành viên năng động, trách nhiệm, đóng góp tích cực và hiệu quả vào sự phát triển của Diễn đàn trên tất cả các lĩnh vực hợp tác. 

* Tích cực tham gia, đóng góp hiệu quả 

Trong 20 năm qua, Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của Diễn đàn trên tất cả các lĩnh vực hợp tác. 

- Tổ chức thành công Năm APEC 2006 và 2017 

Nổi bật là Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch APEC năm 2006, với việc đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC 14, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC 18 và hơn 100 sự kiện, đưa ra triển vọng dài hạn về hướng tới mục tiêu hình thành Khu vực thương mại tự do của toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Chương trình hành động Hà Nội về thực hiện các Mục tiêu Bogor và các biện pháp cải cách tổng thể, tạo nên những động lực mới cho hợp tác APEC. 

11 năm sau, năm 2017, lần thứ hai đảm nhiệm vai trò chủ nhà tổ chức các hoạt động của APEC, Việt Nam đã để lại những dấu ấn tốt đẹp cả trong việc chuẩn bị nội dung cả trong công tác tổ chức, hậu cần. Với 243 hoạt động được tổ chức, Năm APEC 2017 đã thu hút sự tham gia của hơn 21.000 đại biểu, riêng Tuần lễ cấp cao có trên 11.000 đại biểu tham dự và khoảng 3.000 nhà báo, phóng viên đưa tin - những con số đã nói lên sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với APEC cũng như vai trò của nước chủ nhà Việt Nam. 

- Tham gia và xây dựng các nội dung hợp tác, chiến lược và chương trình hành động 

Cùng với việc tổ chức thành công Năm APEC 2006 và 2017, kể từ khi gia nhập APEC, Việt Nam luôn tích cực tham gia và xây dựng các nội dung hợp tác, chiến lược và chương trình hành động của Diễn đàn trên tất cả các lĩnh vực nhằm thúc đẩy đồng thuận chung, tăng cường mở rộng các liên kết thương mại; đặc biệt là thực hiện các Mục tiêu Bogor và Tầm nhìn FTAAP... 

Việt Nam là một trong những thành viên chủ động đề xuất và tham gia triển khai thành công trên 80 sáng kiến ở hầu hết các lĩnh vực thương mại, đầu tư, hợp tác kỹ thuật, y tế, đối phó với chủ nghĩa khủng bố. 

Việt Nam đã đảm nhận thành công vị trí chủ tịch và điều hành nhiều nhóm công tác, trong đó có nhóm công tác về y tế, nhóm đối phó với tình trạng khẩn cấp và thương mại điện tử. 

Trong quá trình hoạt động, Việt Nam đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm cải thiện cơ chế hoạt động của APEC theo hướng phối hợp hiệu quả hơn, đặc biệt là quan hệ của APEC với các tổ chức và thể chế kinh tế quốc tế, thể chế liên kết khu vực. 

Việt Nam đã đề xuất nhiều biện pháp cụ thể để thu hẹp khoảng cách phát triển, hỗ trợ các chương trình hợp tác, dự án hợp tác xóa đói giảm nghèo tại tiểu vùng Mê Công, đề xuất việc tạo thuận lợi đi lại trong lĩnh vực lao động, giáo dục, du lịch... 

Việt Nam đã đề xuất và triển khai thành công sáng kiến đầu tiên của APEC về tìm kiếm và cứu hộ trên biển, đồng thời tổ chức một số hoạt động khác như Cuộc họp Nhóm chuyên gia APEC lần thứ 40 về công nghệ năng lượng mới và có thể tái tạo (Hà Nội, tháng 4-2013), Hội thảo về hòa mạng thủy điện và điện tái tạo (Hà Nội, tháng 4-2013), Hội thảo APEC về duy trì sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh thiên tai lớn (Hà Nội, tháng 5-2013). 

- Đăng cai nhiều cuộc họp các Nhóm công tác 

Việt Nam cũng đăng cai các cuộc họp các Nhóm công tác của APEC. 

Năm 2014, Việt Nam chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Phát triển nguồn nhân lực APEC lần thứ 6. Tới năm 2016, Việt Nam tiếp tục tham gia đóng góp tích cực vào các hoạt động và quan tâm chung của APEC, đặc biệt đã tham gia xây dựng những định hướng hợp tác dài hạn, thể hiện sự “chủ động và tích cực đóng góp, xây dựng, định hình các thể chế đa phương” theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XII. Cũng trong thời gian này, Việt Nam đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch, đồng Chủ tịch và Phó Chủ tịch một số ủy ban và nhóm công tác quan trọng trong APEC, tổ chức thành công cuộc họp của Nhóm công tác về doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hội thảo chuyên ngành về chuỗi cung ứng, năng lượng, an ninh lương thực. 

Ngoài ra, Việt Nam cũng chủ trì hoặc đồng chủ trì nhiều dự án về phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, ứng phó thảm họa thiên tai, đô thị hóa tự cường, du lịch bền vững, và kết nối chuỗi cung ứng…; tham gia thúc đẩy các lĩnh vực ưu tiên của APEC phù hợp với lợi ích và quan tâm của Việt Nam, như liên kết kinh tế, an ninh lương thực, ứng phó với thiên tai, quản lý nguồn nước, bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên biển... 

* Lợi ích thiết thực 

Tham gia APEC, Việt Nam đã có nhiều cơ hội phát triển quan hệ kinh tế, chính trị. APEC là diễn đàn hội tụ nhiều đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, chiếm 75% thương mại, 60% giá trị xuất khẩu, 80% giá trị nhập khẩu, 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 38% viện trợ trực tiếp (ODA) và 79% khách du lịch đến Việt Nam. 

Hầu hết các đối tác kinh tế-thương mại hàng đầu của Việt Nam là các nền kinh tế thành viên của APEC. Trong đó có 9 đối tác chiến lược (Australia, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Singapore) và 5 đối tác toàn diện (Hoa Kỳ, New Zealand, Canada, Malaysia và Chile). Việt Nam đã ký các Hiệp định tự do phương mại song phương và đa phương với 17 trong số 20 thành viên còn lại của APEC. 7 nền kinh tế APEC hiện đang nằm trong tốp 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (Hoa kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Công-Trung Quốc, Malaysia, Singapore). 

Theo thống kê, 11 trong 13 Hiệp định mậu dịch tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, đàm phán là với các đối tác nằm trong khu vực APEC. 

Gia nhập APEC mở ra cơ hội để Việt Nam kêu gọi các nước thành viên ủng hộ tiến trình gia nhập WTO; tranh thủ các chương trình hợp tác nhằm phát triển nguồn nhân lực, tăng cường liên kết thương mại. Trên thực tế, về kinh tế, Việt Nam đã gặp ít rào cản hơn khi tham gia vào các thị trường APEC. Các dòng thuế quan APEC đã giảm gần 70% và mức thuế quan trung bình giảm từ 16,9% (1989) xuống còn 5,5% (2004). 

Ngoài ra, hiện có hơn 40.000 doanh nhân Việt Nam được cấp Thẻ đi lại doanh nhân APEC (ABTC). 80% du học sinh của Việt Nam đang học tập tại các nền kinh tế thành viên APEC. 

Đặc biệt, Năm APEC 2017 đã mang lại cho Việt Nam nhiều lợi ích kinh tế thiết thực, với 121 thỏa thuận hợp tác, hợp đồng có trị giá gần 20 tỷ USD. Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC với sự tham gia của khoảng 1.300 doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong khu vực đã góp phần quảng bá tiềm năng phát triển của Việt Nam, mở ra những cơ hội hợp tác mới về kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch và dịch vụ với các đối tác. Với trên 50 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo các nước đối tác, những hoạt động trong năm APEC 2017 đã tạo cơ hội “vàng” để Việt Nam tăng cường và củng cố các mối quan hệ song phương với các nền kinh tế thành viên APEC đi vào chiều sâu, ổn định và hiệu quả hơn, nhất là với các thành viên APEC chủ chốt… ./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục