2015 là năm nóng nhất trong lịch sử

07:00' - 26/11/2015
BNEWS Năm 2015 đang trên đường trở thành năm nóng kỷ lục. Cơ quan thời tiết của Liên hợp quốc (LHQ) đưa ra tuyên bố trên trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của LHQ về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris (Pháp).
Michel Jarraud, người đứng đầu Tổ chức Khí tượng Thế giới. Ảnh: THX

Phát biểu với báo giới tại Geneva (Thụy Sỹ), Michel Jarraud, người đứng đầu Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết tính toán dựa trên dữ liệu trong 10 tháng đầu năm nay cho thấy nhiệt độ trung bình bề mặt toàn cầu năm nay sẽ tăng cao hơn 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, một mốc đáng chú ý bởi điều này đồng nghĩa với việc nhiệt độ bầu khí quyển đã ấm lên hơn 50%.

Bên cạnh đó, nồng độ khí nhà kính trong khí quyển trong năm nay cũng đã đạt mức kỷ lục. Theo ông Jarraud, mục tiêu giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu không vượt trên 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp vẫn trong tầm với song nếu không sớm có hành động cụ thể mục tiêu này sẽ ngày càng xa vời.

Nhiệt độ bề mặt đại dương đạt mức cao kỷ lục trong năm 2014 và WMO cho biết kỷ lục này có thể tiếp tục bị phá vỡ trong năm 2015 do đại dương đã hấp thụ hơn 90% năng lượng tích tụ trong khí hậu từ khí thải nhà kính do con người thải ra.

Không chỉ vậy, nhiệt độ ở dưới các tầng nước sâu cũng đang tăng lên. Trong 9 tháng đầu năm 2015, nhiệt độ đại dương toàn cầu ở cả độ sâu 700 m và 2.000 m đều đạt mức kỷ lục.

Trong khi đó, mực nước biển trong nửa đầu năm nay đã lên mức chưa từng thấy "kể từ khi vệ tinh quan sát đi vào hoạt động trong năm 1993". Trong khi đó, nhiệt độ mặt đất cũng "chạm trần" ở nhiều nơi trên thế giới.

Nhiệt độ cao của năm 2015 một phần xuất phát từ tác động của El Nino, hiện tượng thời tiết cực đoan có xu hướng làm nhiệt độ tăng cao. Các chuyên gia dự báo El Nino trong năm nay sẽ là mạnh nhất trong hơn 15 năm trở lại đây.

Người dân tự làm mát trên dòng kênh trong bối cảnh nắng nóng ở thành phố Lahore, miền đông Pakistan. Ảnh: THX-TTXVN

Tuy nhiên, WMO cho biết, cùng với sự ấm lên toàn cầu, El Nino cũng đang trở nên ngày một nguy hiểm hơn, đi kèm theo đó là sự suy giảm của hiện tượng đối nghịch La Nina, thường làm giảm mức nhiệt thời tiết.

Theo WMO, 2011-2015 là giai đoạn 5 năm nóng nhất trong lịch sử, cao hơn 0,57 độ C so với mức trung bình giai đoạn 1961-1990.

Các cơ quan của LHQ thường đợi dữ liệu đầy đủ của một năm trước khi đưa ra kết luận, tuy nhiên WMO cho biết muốn công bố kết quả sơ bộ để "cung cấp thông tin cho các nhà đàm phán tại COP21".

Tại COP21, dự kiến diễn ra từ ngày 30/11 đến 11/12 tới, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ cùng thảo luận, ký kết một thỏa thuận toàn diện, được cho là cách thức duy nhất để cứu Trái Đất.

Mục tiêu của thỏa thuận này là giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu không vượt trên 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng cần đưa ra các cam kết về khoản đóng góp cho quỹ hỗ trợ cho các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tình trạng biến đổi khí hậu./.

TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục