2023 có thể là năm nóng nhất trong vòng 125.000 năm qua

13:38' - 08/11/2023
BNEWS Ngày 8/11, các nhà khoa học Liên minh châu Âu (EU) dự báo năm 2023 “gần như chắc chắn” sẽ là năm ấm nhất trong 125.000 năm qua.

Dự báo trên được đưa ra sau khi dữ liệu công bố tháng trước cho thấy tháng 10/2023 là tháng 10 nóng nhất thế giới trong 125.000 năm qua.

 

Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của EU cho biết tháng 10/2023 đã phá vỡ kỷ lục nhiệt độ trước đó được ghi nhận vào tháng 10/2019, với mức chênh lệch lớn.

Phó Giám đốc C3S, bà Samantha Burgess cho biết: “Kỷ lục đã bị phá vỡ 0,4 độ C, đây là mức chênh lệch rất lớn”. Bà Burgess nhấn mạnh sự bất thường như vậy về nhiệt độ trong tháng 10 là “rất khắc nghiệt”.

Nắng nóng là hậu quả của việc phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính liên tục do hoạt động của con người, kết hợp với sự xuất hiện của hiện tượng thời tiết El Nino trong năm nay, làm ấm mặt nước ở vùng biển Đông Thái Bình Dương.

Trên toàn cầu, nhiệt độ không khí bề mặt trung bình trong tháng 10 vừa qua ấm hơn 1,7 độ C so với cùng tháng này trong giai đoạn từ năm 1850-1900 - giai đoạn được xác định là thời kỳ tiền công nghiệp.

Nhà khoa học khí hậu Michael Mann tại Đại học Pennsylvania cho biết: "Hầu hết những năm có hiện tượng El Nino đều phá kỷ lục về nhiệt độ, vì El Nino làm tăng thêm tốc độ ấm lên toàn cầu do con người gây ra".

Theo C3S, nhiệt độ tháng 10 phá kỷ lục có nghĩa là năm 2023 "gần như chắc chắn" sẽ là năm ấm nhất được ghi nhận. Kỷ lục trước đó là năm 2016 - một năm cũng chứng kiến hiện tượng El Nino. Bà Burgess cho biết: "Khi kết hợp dữ liệu của mình với Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc, chúng tôi có thể nói rằng đây là năm ấm nhất trong 125.000 năm qua".

Biến đổi khí hậu đang thúc đẩy các hiện tượng thời tiết cực đoan. Trong năm nay, lũ lụt khiến hàng nghìn người thiệt mạng ở Libya, nắng nóng khắc nghiệt ở Nam Mỹ và mùa cháy rừng tồi tệ nhất được ghi nhận ở Canada.

Ông Piers Forster, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Leeds, cảnh báo: “Chúng ta không thể để lũ lụt, cháy rừng, bão và sóng nhiệt tàn khốc trong năm nay trở thành hiện tượng bình thường mới. Bằng cách giảm nhanh chóng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong thập kỷ tới, chúng ta có thể giảm một nửa tốc độ nóng lên toàn cầu”.

Mặc dù các quốc gia đặt ra mục tiêu ngày càng tham vọng trong việc cắt giảm khí thải nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Năm 2022 ghi nhận lượng khí thải CO2 toàn cầu ở mức cao kỷ lục.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục