6 tháng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Nguyên đạt khoảng 6,5%

08:08' - 17/06/2021
BNEWS Mặc dù chiụ nhiều tác động từ dịch COVID-19, nhưng trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh Thái Nguyên vẫn có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 6,5%.

Mặc dù chiụ nhiều tác động từ dịch COVID-19, nhưng trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh Thái Nguyên vẫn có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 6,5%; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 361,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,65% so cùng kỳ năm 2020, bằng 43,01% kế hoạch cả năm.

Giá trị xuất khẩu ước đạt 13,4 tỷ USD, tăng 13,51% và bằng 47,69% kế hoạch cả năm. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 7.240 tỷ đồng, tăng 11,81% và bằng 46,41% dự toán cả năm.
Thái Nguyên đã có quyết định chủ trương đầu tư cho 24 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng; cấp chứng nhận đầu tư mới cho 28 dự án, với tổng số vốn đăng ký khoảng 2.900 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng số vốn đăng ký khoảng 6,8 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho các dự án FDI, với tổng vốn đăng ký thêm khoảng 50,6 triệu USD; cấp thành lập mới cho 385 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký khoảng 3.314 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng cho biết, thời gian tới, Thái Nguyên sẽ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp nhằm thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế.

Theo đó, tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới trong xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; tăng cường kích cầu, phát triển thị trường nội địa; đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch.

Đồng thời, khai thác tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do mới; hỗ trợ phục hồi, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án.
Thái Nguyên cũng tiếp tuc̣ thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao thứ hạng các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, chỉ số cải cách hành chính Par Index, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS)...
Trước đó, từ cuối tháng 4/2021, dịch COVID-19 bùng phát trở lại đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Các ngành công nghiệp chủ lực bao gồm sản xuất điện thoại, máy tính bảng bị ảnh hưởng do chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nguyên liệu đầu vào gặp khó khăn khi các nhà máy phụ trợ tại các tỉnh lân cận như: Bắc Giang và Bắc Ninh ngừng hoạt động.

Số lượng lao động sản xuất công nghiệp, nhất là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng giảm dần so với cùng kỳ.
Từ đầu năm đến nay, Thái Nguyên ghi nhận 45 doanh nghiệp giải thể, đóng mã số thuế; 288 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có thời hạn nhưng 273 doanh nghiệp trong số đó đã hoạt động trở lại.
Tỉnh đã thực hiện rà soát, kiểm tra các dự án sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách, các dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc; kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, vi phạm các quy định; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tiếp tục được cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục