60 năm Thông tấn xã Giải phóng: Kỷ vật vô giá một thời làm phóng viên chiến trường

10:47' - 08/10/2020
BNEWS Trong căn phòng nhỏ của Nhà báo Nguyễn Tuấn Hải, nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng (nay là TTXVN), một chiếc tủ nhỏ đựng “Những kỷ vật chiến trường” được ông đặt ở vị trí trang trọng.

Những năm tháng đất nước kháng chiến cứu nước, chàng trai Hà thành Nguyễn Tuấn Hải dù đã tốt nghiệp Khoa Sinh học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), đang chờ phân công công tác, đã nhanh chóng quyết định lên đường vào chiến trường.

Từ bỏ giấc mơ làm khoa học, Nguyễn Tuấn Hải chuyển “tay ngang” sang làm phóng viên ảnh, chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) từ năm 1973 đến năm 1976. Dù thời gian không nhiều nhưng cũng đủ để ông có được bộ sưu tập những kỷ vật chiến trường vô giá.
* Nâng niu kỷ vật chiến trường
Trong căn phòng nhỏ của Nhà báo Nguyễn Tuấn Hải, nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng (nay là Thông tấn xã Việt Nam), một chiếc tủ nhỏ đựng “Những kỷ vật chiến trường”được ông đặt ở vị trí trang trọng. Đó là những tấm huân, huy chương, album ảnh, những tấm phim tư liệu quý ông chụp những ngày ở chiến trường.

Ở đó cũng có cả những vật dụng ông đã từng sử dụng trong những năm 1973-1976, khi là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng như cái võng dù, chiếc đồng hồ, bộ thìa - nĩa được làm bằng inox của Mỹ, có cả dao cạo râu bằng inox do anh em tự chế… Với Nhà báo Nguyễn Tuấn Hải, đó là những kỷ vật vô giá mà ông đã trân trọng, nâng niu, gìn giữ suốt hơn 40 năm qua.
Lật giở album ảnh, chỉ tay vào một tấm ảnh, Nhà báo Tuấn Hải kể: “Tấm ảnh này tôi chụp tại căn cứ Ban Ảnh (B22), Thông tấn xã Giải phóng trong khu rừng già ở huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Hàng ngày, sau thời gian đi lấy tin tức, hình ảnh chiến đấu ở mặt trận đầy khó khăn, nguy hiểm, anh em phóng viên lại tranh thủ tăng gia sản xuất lương thực, thực phẩm cải thiện đời sống”.
“Còn tấm ảnh này, tôi chụp lúc anh em đang tập thể thao, thư giãn cuối ngày. Hồi đó, căn cứ trong rừng sâu nên điều kiện rất khó khăn, thiếu thốn nhưng cán bộ, phóng viên, nhân viên Ban Ảnh của Thông tấn xã Giải phóng vẫn đều đặn duy trì phong trào thể thao, văn nghệ để nâng cao tinh thần, sức khỏe, phục vụ công tác và sẵn sàng chiến đấu…”, Nhà báo Nguyễn Tuấn Hải nhớ lại.
Cuốn album còn lưu giữ bức ảnh ông chụp anh em lớp phóng viên GP10 bên ngôi mộ người đồng đội hy sinh trên đường hành quân. Nhà báo Nguyễn Tuấn Hải nghẹn ngào:"Lúc đó, chúng tôi chỉ kịp mai táng đồng đội rất nhanh rồi lại phải hành quân ngay. Anh em trong đoàn ai cũng bàng hoàng, thảng thốt, bởi sinh ly tử biệt đến chỉ trong một tích tắc, không ai có thể ngờ…”.
Những ký ức về những tháng ngày ở Thông tấn xã Giải phóng cứ lần lượt hiện về theo từng bức ảnh trong cuốn album mà Nhà báo Nguyễn Tuấn Hải nâng niu, trân quý mấy chục năm nay. Đó là những bức ảnh ông chụp đoàn xuất phát từ Hà Nội, vào Vinh, vượt dãy Trường Sơn, sang Nam Lào, vào Tây Ninh…

Đó là những bức ảnh chụp cảnh các phóng viên dựng lán trong rừng, hay giây phút anh em đồng nghiệp miệt mài tác nghiệp bên chiếc máy thu phát teletype để gửi tin bài về cơ quan, có cả những bức ảnh anh em phóng viên chuẩn bị cho một buổi sinh hoạt đoàn trong rừng, giây phút mắc võng giữa rừng thư giãn, hay cắt tóc cho nhau trong rừng Trường Sơn… Mỗi bức ảnh đều gắn với những câu chuyện, với kỷ niệm những năm tháng làm khi ông phóng viên Thông tấn xã Giải phóng.
“Những bức ảnh tư liệu quý giá này cùng với một số vật dụng cá nhân đã gắn bó với tôi trong suốt những năm tháng ở chiến trường. Đó là những kỷ vật vô giá đối với tôi và tôi luôn trân quý gìn giữ”, Nhà báo Nguyễn Tuấn Hải nói.
* Những kỷ niệm không thể nào quên
Chia sẻ lý do một nhà khoa học tương lai chuyển sang làm phóng viên chiến trường, ông Nguyễn Tuấn Hải kể: Năm 1972, ông tốt nghiệp khóa 12, Khoa Sinh học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đang trong giai đoạn chờ được phân công công tác. Cũng thời điểm đó, Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam) đến các trường đại học tuyển phóng viên, kỹ thuật viên để đào tạo lớp phóng viên đặc biệt cho Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP), chi viện cho cách mạng miền Nam đang trong giai đoạn quyết liệt nhất, chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng giải phóng miền Nam. 

Hồ sơ của Nguyễn Tuấn Hải cùng gần 150 hồ sơ khác được Việt Nam Thông tấn xã tuyển chọn và đưa đi đào tạo nghiệp vụ. Từ đây, đường đời của chàng trai Hà thành, nhà sinh vật học tương lai đã rẽ sang một lối khác.
Thời đó, Việt Nam Thông tấn xã tuyển phóng viên viết và ảnh, ông có nguyện vọng làm phóng viên ảnh và đã tham gia khóa đào tạo phóng viên cấp tốc. Bên cạnh đào tạo nghiệp vụ, anh em còn phải đeo ba lô gạch luyện tập hành quân như bộ đội thực thụ… Tháng 3/1973, Nguyễn Tuấn Hải cùng hơn 100 anh em trong lớp phóng viên đặc biệt (GP10) khoác ba lô lên đường vào chiến trường.
Khi đó, lãnh đạo Việt Nam Thông tấn xã gọi ông lên nói chuyện, hỏi ông có sẵn sàng vào chiến trường không? Lãnh đạo cho về suy nghĩ một ngày rồi trả lời. Với tấm lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ vì đất nước, không cần suy nghĩ, ông lập tức đồng ý vào chiến trường miền Nam. “Lớp phóng viên khóa GP10 của chúng tôi có gần 150 người, nhưng chỉ có 108 người lên đường vào chiến trường, khi đó là khoảng tháng 3/1973”. Nhà báo Nguyễn Tuấn Hải kể.
Đường hành quân vào cơ quan Thông tấn xã Giải phóng cũng vô cùng gian nan. Các phóng viên khóa GP10 phải đi ròng rã gần 3 tháng trời. Lúc đi xe ô tô, khi thì ngồi tàu hỏa, khi đi bộ…, đoàn phóng viên vượt dãy Trường Sơn vào chiến trường Tây Nguyên, một nhóm tách ra tác nghiệp tại khu vực đó (B1), phóng viên ảnh Nguyễn Tuấn Hải được phân công vùng Tây Ninh (B2). Chỉ ngay trên chặng đường hành quân gian nan ấy, nhóm phóng viên đã có người bị thương, người hy sinh, khiến anh em trong đoàn vô cùng đau buồn, tiếc thương.
Sau gần 3 tháng trèo đèo lội suối, tránh khỏi tai mắt kẻ địch, nhóm phóng viên GP10 cũng vào đến Tây Ninh. Nhà báo Đức Hoàng, phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng khi đó đã đón đoàn ở rừng cao su Lộc Ninh (Tây Ninh). Vừa gặp nhau, chưa kịp nói gì nhiều, máy bay đã quần thảo ào ào trên đầu. Anh Đức Hoàng chỉ đường và hướng dẫn nhóm phóng viên xuống hầm tránh bom. Cả nhóm đã kịp chui vào hầm, nhưng anh Đức Hoàng không vào kịp và hy sinh ngay lúc đó. Cả đoàn tận mắt chứng kiến, bàng hoàng, đau xót đến lặng người...
Trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ, cuối cùng đoàn đến trụ sở của Ban Ảnh (B22) thuộc Thông tấn xã Giải phóng, đóng tận trong rừng sâu. Ở đây, mọi người trong đoàn được hướng dẫn vào rừng chặt cây, dựng lán để ở, đóng giường ngủ.

Nhà báo Nguyễn Tuấn Hải kể, trong rừng nhiều rắn, rết, bọ cạp, con nào cũng to. Nhiều hôm, rắn rết bò vào lán, bò cả lên giường, mới đầu sợ đến mức cả đêm không dám ngủ. Nhưng mãi rồi cũng quen. Sau này, anh em mỗi người chuẩn bị sẵn một cây gậy, khi nào chuẩn đi ngủ đập vào chăn màn, để đuổi rắn rết, bọ cạp. Kể cả ba lô quần áo treo trên tường, mỗi khi muốn thò tay vào ba lô lấy đồ, cũng phải cầm gậy đập...
Nhà báo Nguyễn Tuấn Hải cho biết, hàng ngày, hàng tháng các phóng viên Thông tấn xã Giải phóng được phân công đi theo các giao liên, du kích và bộ đội địa phương… đi tác nghiệp ở một số tỉnh như Tây Ninh, Long An… Vào vùng giải phóng thì an toàn, còn nếu vào những vùng "cài răng lược" (ngày địch đêm ta) để tác nghiệp rất nguy hiểm. Có lần, ông theo bộ đội vượt sông, bị địch dùng máy đo bức xạ nhiệt phát hiện ra. Địch liên tục nã đạn xuống sông, đến khi ngừng bắn, giao liên vội ghé xuồng vào bờ, hô mọi người chạy tản ra tìm các cây để nấp…
Tác nghiệp vất vả, nhưng thời đó sợ nhất là sốt rét và… đói. Do chiến tranh, việc vận chuyển lương thực gặp khó khăn, anh em thường xuyên bị thiếu ăn, chủ yếu là ăn cơm độn sắn. Để cải thiện đời sống, anh chị em trong cơ quan ngoài giờ làm việc còn phân công nhau làm rẫy, trồng sắn, trồng rau, nuôi lợn, săn bắt, hái rau rừng… Cũng may là khi đó, rừng Tây Ninh nhiều sản vật, anh em thỉnh thoảng được bữa cải thiện.
Nhà báo Nguyễn Tuấn Hải chia sẻ "Ở chiến trường, khoảng cách giữa sự sống và cái chết nhiều khi chỉ trong một tích tắc. Nhưng có một điều là, khi đối mặt với bom đạn, khi sự sống và cái chết luôn thường trực, anh em trong cơ quan không ai quá lo lắng hay sợ hãi. Họ vẫn rất bình tĩnh sống, đoàn kết, thương yêu nhau, cùng giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ”. Đó là điều trân quý nhất...
Đến nay, đã hơn 40 năm qua, ký ức về những ngày làm phóng viên chiến trường vẫn còn in đậm trong tâm của Nhà báo Nguyễn Tuấn Hải. Thỉnh thoảng, ông vẫn cùng bạn bè, đồng nghiệp lớp GP10 gặp gỡ, trò chuyện và cùng nhau ôn lại những kỷ niệm chiến trường xưa, cùng nhau nhắc và nhớ đến những đồng nghiệp, đồng đội đã hy sinh trong những ngày khói lửa ấy.

Ngày nhận được tin Thông tấn xã Giải phóng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ông vô cùng xúc động và tự hào bởi mình cũng góp phần nhỏ bé làm nên một Thông tấn xã Giải phóng anh hùng. Những năm tháng ở chiến trường, dù gian nan, vất vả nhưng lại là khoảng thời gian vô giá, không thể nào quên với tất cả lớp phóng viên GP10./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục