AEC có thể là động lực để chuyển đổi mô hình tăng trưởng

15:05' - 13/11/2015
BNEWS Giáo sư Toshiro Nishizawa, Trường Chính sách công thuộc Đại học Tokyo, nhận định sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) có thể là động lực chính để chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới.
Ngày 13/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Trường Chính sách công, Đại học Tokyo, Nhật Bản đã tổ chức Diễn đàn Nghiên cứu Việt Nam – Nhật Bản “Cơ hội đối tác để Việt Nam tham gia thành công vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN”. 

Tại diễn đàn, các học giả, chuyên gia kinh tế tập trung thảo luận các vấn đề liên quan tới sự chuẩn bị và mức độ sẵn sàng của Việt Nam hướng tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), đồng thời nhận diện những cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp; tiến trình chuẩn bị, những cơ hội và thách thức của Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP)… 

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, những thành tựu bước đầu của AEC ở cả bốn trụ cột chính gồm: Thị trường và cơ sở sản xuất chung; khu vực cạnh tranh; phát triển công bằng; hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu chính là nền tảng quan trọng để lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động dễ dàng hơn trong khu vực ASEAN và các nước đối tác. 

Ông Sơn cho rằng, Việt Nam đã thực thi tốt các cam kết trong hội nhập nhưng chưa tận dụng được hết cơ hội, tỷ lệ sử dụng các ưu đãi trong ASEAN còn khá thấp, khoảng 30% . Môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng có cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây nhưng so với các nước trong khu vực ASEAN vẫn còn có sự chênh lệch về trình độ phát triển doanh nghiệp, thiếu lao động có kỹ năng… 

Ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết, trọng tâm của AEC trong 10 năm tới là hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, ứng dụng công nghệ số, tăng cường quản trị và công nghệ xanh. Các Hiệp hội, cơ quan nghiên cứu đóng vai trò tư vấn, hỗ trợ quá trình hội nhập. 

Theo Giáo sư Toshiro Nishizawa, Trường Chính sách công, Đại học Tokyo, Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển và đang ở bước ngoặt quan trọng, AEC có thể là động lực chính để chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới. Tuy nhiên, Việt Nam cũng gặp những thách thức ở các lĩnh vực như: doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều khó khăn, khả năng hội nhập thị trường tài chính và lao động. Điều này đòi hỏi nhiều thời gian để giải quyết, có thể phải 10 năm hoặc lâu hơn. 

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận động lực của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp hơn so với 10 năm trước đây, không ít doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho hội nhập kinh tế ở khu vực ASEAN, thể hiện qua mức độ nhận thức còn hạn chế, thiếu sự quan tâm và chuẩn bị kỹ lưỡng cho hội nhập. 

“Đành rằng cải cách thì phải có bước đi nhưng 5 năm, 10 năm, thậm chí 30 năm rồi những vẫn có cái gì đó vẫn chậm, trong khi nhiều nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc họ đã tiến rất xa rồi”, ông Cung chia sẻ. 

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, xuất phát từ thực tế có tới 70% là doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động nội địa, không tham gia xuất nhập khẩu nên không cảm nhận được sức ép từ hội nhập. Mặt khác, các doanh nghiệp này cũng còn gặp nhiều rào cản trong môi trường kinh doanh nên “họ lo tồn tại trước mắt hơn là cạnh tranh trong tương lai”. 

Bà Phạm Chi Lan cho rằng cần có những chính sách đi vào thực chất hơn là cam kết nhiều nhưng thực thi còn thấp. Bà Lan mong muốn phía Nhật Bản có vai trò hơn nữa trong việc tạo mối liên kết, thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực ASEAN. 

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, qua thảo luận chung tại diễn đàn cho thấy, với giai đoạn sau 2015 khi hội nhập ASEAN được làm sâu sắc hơn, đối với Việt Nam, hội nhập ASEAN nên được nhìn nhận với ý nghĩa tạo thêm cơ hội cho phát triển và nâng cao năng lực về mọi mặt để tận dụng tối đa các cơ hội. Do đó, Việt Nam cần có tâm thế chủ động hơn với cuộc chơi ở khu vực thông qua nâng cao năng lực cả về thể chế, môi trường kinh doanh và khả năng cạnh tranh cũng như trình độ khoa học công nghệ. Đồng thời, trong quá trình đó, Việt Nam cần tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cũng như xây dựng quan hệ hợp tác, đối tác./. 

Hoàng Tùng/BNEWS-TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục