AfDB cảnh báo tổng nợ của châu Phi lên tới 1.300 tỷ USD

09:41' - 20/07/2023
BNEWS Chủ tịch AfDB mới đây cho biết tổng số nợ của “lục địa đen” ước tính khoảng 1.300 tỷ USD và dự kiến tiếp tục gia tăng trong năm 2023.

Chủ tịch của Nhóm Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), ông Akinwumi Adesina mới đây cho biết tổng số nợ của “lục địa đen” ước tính khoảng 1.300 tỷ USD, với chi phí trả lãi vay đạt 22 tỷ USD trong năm 2022. Con số này dự kiến tiếp tục gia tăng trong năm 2023.

Ông Adesina đã đưa ra những thông tin trên trong bài phát biểu tại cuộc họp điều phối giữa năm lần thứ 5 của Liên minh châu Phi (AU) được tổ chức tại Nairobi, Kenya.

 

Để giải quyết vấn đề nợ này, ông Adesina nhấn mạnh sự cần thiết của việc hợp tác với tất cả các tổ chức tài chính quốc tế. Ông kêu gọi châu Phi thay đổi cách tiếp cận các khoản nợ và ủng hộ việc chấm dứt tất cả các khoản vay dựa trên tài nguyên thiên nhiên.

Ông desina lập luận rằng các tài nguyên này đa phần bị định giá thấp, không minh bạch và khiến tài sản quốc gia gặp rủi ro. Chủ tịch AfDB cho rằng những khoản vay như vậy đã khiến tình hình tại các quốc gia đi vay trở nên tồi tệ hơn.

Liên quan đến các nỗ lực xóa nợ, ông Adesina đề cập đến Khuôn khổ chung do các chủ nợ chính thức và tư nhân đề xuất nhằm điều phối việc tái cấu trúc các khoản nợ.

Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và cả những nước cho vay không phải là thành viên của Câu lạc bộ Paris như Trung Quốc, Ấn Độ, Saudi Arabia, Kuwait và Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra sáng kiến này để đảm bảo chia sẻ gánh nặng công bằng giữa tất cả các chủ nợ. CH Chad (Sát), Ethiopia và Zambia đã yêu cầu xóa nợ theo Khuôn khổ chung này.

Chủ tịch AfDB cũng đề cập tới tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn lục địa châu Phi, vốn đã trở nên trầm trọng hơn do những khó khăn toàn cầu. Ông chỉ ra rằng AfDB đã huy động 72 tỷ USD để thực hiện các thỏa thuận giao hàng nông sản và thực phẩm được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Dakar2 được tổ chức tại Senegal vào đầu năm nay.

Ông Adesina cũng nhắc tới kết quả của chương trình hỗ trợ sản xuất thực phẩm khẩn cấp trị giá 1,5 tỷ USD do ngân hàng này triển khai từ tháng 5/2022, nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine. Xung đột này đã dẫn đến giá lúa mì và ngô tăng đáng kể trên toàn cầu, đe dọa dẫn đến một cuộc khủng hoảng lương thực ở châu Phi.

Theo ông Adesina, có tới 44 quốc gia châu Phi được hưởng lợi từ chương trình này, với 20 triệu nông dân trên khắp lục địa đang nhận được hỗ trợ để sản xuất 38 triệu tấn lương thực.

Ông Adesina cũng nhấn mạnh tác động của việc huy động 8,9 tỷ USD cho Quỹ Phát triển châu Phi - cơ chế ưu đãi của AfDB dành cho các quốc gia có thu nhập thấp – trong năm 2022. Đây là khoản bổ sung cao nhất kể từ khi quỹ này được thành lập vào năm 1972.

Ngoài ra, chương trình hành động khí hậu đặc biệt của AfDB cũng đã dành 429 triệu USD để hỗ trợ khả năng phục hồi ở các quốc gia có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục